Sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vào tối 27-5 (giờ địa phương) giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Trại David và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ở Washington, hai bên đã đạt được "thỏa thuận về mặt nguyên tắc" về việc nâng trần nợ.
Nếu được lưỡng viện quốc hội thông qua thì không chỉ thế bế tắc nhiều tuần qua tại Mỹ được phá bỏ mà nước này còn tránh một cú vỡ nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Sau khi loan báo thông tin trên, hãng tin AP cho biết phần việc tiếp theo của 2 ông Biden và McCarthy là giải thích dự luật cho thành viên đảng mình, lần lượt là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, trước khi đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội. AP cho biết cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ dự kiến quay lại làm việc vào ngày 30-5.
Theo ông McCarthy, Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 31-5. Sau khi qua được cửa Hạ viện, dự luật có thể nằm lại Thượng viện vài ngày và nếu suôn sẻ, nó có khả năng được Tổng thống Biden ký ban hành vào cuối tuần này, vừa kịp trước hạn chót vỡ nợ vào ngày 5-6 như cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (giữa) trong vòng vây phóng viên ở Đồi Capitol hôm 26-5 Ảnh: BLOOMBERG
Về nội dung của thỏa thuận, tờ The New York Times đưa tin trần nợ của Mỹ - hiện ở mức 31.400 tỉ USD - sẽ được tăng lên đến năm 2025, sau cuộc bầu cử tổng thống nước này vào năm 2024. Đổi lại, chi tiêu trong nước sẽ bị cắt giảm nhưng không nhiều như yêu cầu của Đảng Cộng hòa.
Theo thỏa thuận, ngân sách dành cho các lĩnh vực phi quốc phòng trong năm 2024 sẽ ở mức xấp xỉ năm 2023 và tăng 1% vào năm 2025.
Một phần trong số hàng trăm tỉ USD còn sót lại từ gói cứu trợ COVID-19 sẽ được thu hồi. Phân tích của The New York Times chỉ ra những cắt giảm kể trên sẽ làm giảm chi tiêu liên bang nói chung khoảng 650 tỉ USD trong vòng 10 năm - chỉ là số lẻ của yêu cầu ban đầu từ Đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, thỏa thuận bảo đảm ngân sách cho quốc phòng, an sinh xã hội, bảo hiểm sức khỏe Medicare... không bị cắt giảm.
Những khoản gia tăng mà chính quyền ông Biden đạt được trong 2 năm qua, như ngân sách giáo dục dành cho sinh viên thu nhập thấp, nghiên cứu về ung thư..., được bảo toàn. Nỗ lực nhằm xóa khoản nợ vay của sinh viên - trị giá 400 tỉ USD - của ông Biden cũng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, thỏa thuận không cho phép tăng thuế đối với giới nhà giàu và doanh nghiệp như ông Biden nêu trong đề xuất ngân sách ban đầu của mình.
"Thỏa thuận này là tin tốt cho người dân Mỹ vì nó ngăn chặn một cú vỡ nợ thảm họa, vốn có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế và làm mất hàng triệu việc làm" - Tổng thống Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu tối 27-5.
Hãng tin Bloomberg cho biết nhiều nhà kinh tế trước đó cảnh báo ngay cả vỡ nợ ngắn hạn cũng khiến thị trường suy giảm nghiêm trọng. Vào ngày 24-5, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã đưa xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ vào diện giám sát.
Phản ứng ban đầu trước thỏa thuận nêu trên, theo Bloomberg, các nhà kinh tế chỉ ra ít có khả năng việc cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ gây ra ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế Mỹ nói chung.
Về tác động chính trị, thỏa thuận vừa đạt được có thể củng cố vị thế của Chủ tịch Hạ viện McCarthy sau khi ông mất tới 15 vòng bỏ phiếu mới được bầu vào vị trí này hồi đầu năm nay.
Ở phía bên kia, việc vô hiệu hóa được mối nguy lớn nhất đối với tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 sẽ tiếp sức cho hành trình tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Biden. Dù vậy, theo Bloomberg, việc đáp ứng một số yêu cầu của Đảng Cộng hòa cũng có thể làm "mất nhiệt" chương trình nghị sự tái tranh cử của ông chủ Nhà Trắng.