Ảnh minh họa: AP
Theo tờ Politico, nguyên nhân là Mỹ lo ngại các nước phương Tây khó có khả năng bổ sung đạn dược nhiều để hỗ trợ Ukraine.
Trong xung đột ở Ukraine, cả hai bên sử dụng pháo ồ ạt, bắn hàng nghìn quả vào chiến tuyến hàng ngày, khiến Mỹ và các nước châu Âu khó có thể theo kịp tốc độ sử dụng.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp ở Brussels (Bỉ) với các nhà lãnh đạo NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhắc đến những lo ngại ngày càng tăng ở Mỹ và các nơi khác về kho dự trữ đạn dược.
Ông cho biết Ukraine đã sử dụng rất nhiều đạn pháo. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể, hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo cung cấp cho Ukraine càng nhiều vũ khí càng nhanh càng tốt”.
Khi Mỹ và châu Âu tìm cách tăng sản xuất đạn pháo để dự trữ trong nước và cung cấp cho Ukraine trong các cuộc tấn công, họ cũng đang đánh giá các khóa huấn luyện hiện tại ở Anh và Đức để tìm cách thay đổi cách binh sĩ Ukraine di chuyển trên chiến trường. Một phần của nỗ lực huấn luyện này là tìm ra cách chống Nga mà không tiêu tốn quá nhiều đạn dược.
Ông Austin nói: “Chúng tôi đang phối hợp với các binh sĩ Ukraine ở nhiều nơi trên khắp châu Âu để tập trung vào huấn luyện bổ sung về tính cơ động. Từ đó, khi họ chú trọng hơn vào cơ động, định hình chiến trường bằng hỏa lực và sau đó tiếp tục cơ động, rất có thể họ sẽ cần ít đạn pháo hơn”.
Anh, quốc gia đã huấn luyện 10.000 binh sĩ Ukraine về chiến thuật bộ binh, đã cam kết huấn luyện thêm 20.000 người nữa trong năm nay với sự hỗ trợ của Na Uy, Hà Lan và nhóm huấn luyện thuộc NATO trên thực địa.
Đã có một số động thái về vấn đề pháo trong cuộc họp của Nhóm Hợp đồng Quốc phòng Ukraine ngày 14/2 Ba tại Brussels. Đây là cuộc họp gồm các nhà lãnh đạo quốc phòng từ hơn 50 quốc gia. Họ gặp nhau mỗi tháng một lần để điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Pháp và Australia đã đồng ý hợp tác để sản xuất thêm các loại đạn pháo 155mm, vốn là xương sống của số pháo mà phương Tây mới gửi tới Ukraine.
Mỹ cũng đã gặp khó khăn trong năm qua khi muốn tăng sản lượng đạn 155mm để tích trữ trong nước khi mà Ukraine tiếp tục bắn hàng nghìn viên đạn mỗi ngày, sử dụng hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm mà Mỹ và các đồng minh đã gửi.
Quân đội Mỹ đã cam kết tăng gấp ba sản lượng đạn pháo hàng tháng từ tổng số khoảng 14.000 quả/tháng trước xung đột lên tới 90.000 quả/tháng vào năm 2025.
Nguồn dự trữ đạn dược cạn kiệt không chỉ xảy ra ở súng đại bác. Trong các cuộc họp gần đây tại Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ đã thông báo với các đại diện của Ukraine rằng họ không có đủ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân ATACMS trong kho để gửi cho quân đội Ukraine.
Binh sĩ Ukraine cầm một quả đạn cối ở tiền tuyến gần thị trấn Vuhledar. Ảnh: Reuters
Lầu Năm Góc đã nói rằng chuyển giao ATACMS sẽ làm giảm kho dự trữ của Mỹ và gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu trong tương lai của quân đội Mỹ.
Trước đó, theo tờ The Telegraph, ngày 13/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn nhiều lần so với tốc độ sản xuất hiện tại của NATO. Ông nói: “Điều này đặt các ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta vào tình trạng căng thẳng”.
Ông Stoltenberg phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở của NATO ở Brussels: “Rõ ràng là chúng ta đang đua nhau về hậu cần. Các khả năng chính như sản xuất đạn dược phải đến Ukraine trước khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường. Một cuộc chiến tiêu hao trở thành một cuộc chiến hậu cần”.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gặp người đồng cấp của các thành viên NATO, ông Stoltenberg sẽ yêu cầu họ tăng cường đáng kể gửi đạn pháo để củng cố lực lượng phòng thủ của Ukraine.
Trong thực thế, các lực lượng Ukraine ước tính bắn khoảng 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày, còn Nga sử dụng 20.000 quả.
Tuy nhiên, thời gian chờ đợi để nhận loại đạn cỡ nòng lớn đã tăng từ 12 tháng lên 28 tháng. Do đó, theo Tổng thư ký NATO, họ cần đẩy mạnh sản xuất và đầu tư vào năng lực sản xuất.
Các quan chức phương Tây đã nhiều lần cảnh báo rằng kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào khả năng của phương Tây trong cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine. Bà Julianne Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết các đồng minh cần chuyển mọi thứ nhanh nhất có thể cho Ukraine.