Tuy nhiên, nhiều người Mỹ coi quyền được mang vũ khí (được ghi trong Hiến pháp Mỹ) là bất khả xâm phạm. Nhưng những người chỉ trích Tu chính án thứ hai nói rằng, quyền đó đe dọa một quyền khác: Quyền được sống.
Không có quốc gia phát triển nào khác xảy ra các vụ xả súng hàng loạt với quy mô hoặc tần suất như Mỹ. Mới chỉ là ngày thứ 23 của năm mới 2023 mà đã có ít nhất 36 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, theo tổ chức phi lợi nhuận Gun Violence Archive.
Vụ mới nhất là một người đàn ông gốc Á tên là Huu Can Tran xả súng ở thành phố Monterey Park, bang California của Mỹ tối 21/1, giết chết 10 người, làm bị thương 10 người trước khi tự sát. Cảnh sát vừa xin được trát lục soát nhà tay súng này để tìm bằng chứng, CNN đưa tin ngày 23/1.
Cảnh sát điều tra hiện trường vụ xả súng hàng loạt ở thành phố Monterey Park, California. Ảnh: Los Angeles Times.
100 người thì có 120 súng, sản xuất, tiêu thụ đều tăng mạnh
Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Không có quốc gia nào khác có nhiều súng dân sự hơn người dân Mỹ.
Quần đảo Falkland (một lãnh thổ của Anh ở tây nam Đại Tây Dương, mà Argentina cũng tuyên bố chủ quyền, đối tượng của cuộc chiến năm 1982) là nơi có số lượng súng dân dụng bình quân đầu người lớn thứ hai thế giới. Nhưng với ước tính 62 khẩu súng trên 100 người, tỷ lệ sở hữu súng ở đây chỉ bằng một nửa so với Mỹ.
Yemen (một quốc gia đang trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm) có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ ba thế giới với 53 khẩu súng trên 100 người.
Mặc dù khó tính toán chính xác số lượng vũ khí thuộc sở hữu dân sự do nhiều yếu tố (bao gồm vũ khí chưa đăng ký, buôn bán bất hợp pháp và xung đột toàn cầu), các nhà nghiên cứu của SAS ước tính, người Mỹ sở hữu 393 triệu trong số 857 triệu khẩu súng dân sự hiện có, tương đương khoảng 46% kho vũ khí dân dụng trên thế giới.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 10/2020 của công ty phân tích và tư vấn Mỹ Gallup, khoảng 44% người trưởng thành ở Mỹ sống trong một gia đình có súng và khoảng 1/3 sở hữu một khẩu súng cá nhân.
Theo phó giáo sư Zachary Elkins công tác tại Đại học Texas (và là giám đốc Dự án Hiến pháp So sánh), một số quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao do dự trữ bất hợp pháp từ các cuộc xung đột trong quá khứ hoặc những hạn chế lỏng lẻo về quyền sở hữu, nhưng Mỹ là một trong ba quốc gia duy nhất trên thế giới mà việc mang (hoặc giữ) vũ khí là quyền hiến định.
Cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Minh họa: CNN.
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu ở hai quốc gia còn lại - Guatemala và Mexico - gần bằng 1/10 của Mỹ. Ông Elkins cho biết cuộc tranh luận về súng ở những quốc gia đó ít bị chính trị hóa hơn.
Ông nói, trái ngược với Hiến pháp Mỹ, Guatemala và Mexico tạo điều kiện thuận lợi cho các quy định, với việc các nhà lập pháp thoải mái hơn trong việc hạn chế súng, đặc biệt là trước những lo ngại về tội phạm có tổ chức. Ở Mexico, chỉ có một cửa hàng súng trên toàn quốc và cửa hàng này do quân đội kiểm soát.
Ở Mỹ, sản xuất vũ khí đang gia tăng, với nhiều người Mỹ mua súng hơn. Năm 2018, các nhà hãng vũ khí sản xuất 9 triệu khẩu súng trong nước, nhiều hơn gấp đôi số lượng được sản xuất năm 2008, theo Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ Mỹ (ATF).
Gần đây hơn, tháng 1/2021 đánh dấu mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 2013 đối với các yêu cầu kiểm tra lý lịch liên bang cần thiết để mua súng - tăng gần 60% so với tháng 1/2020. Tháng 3/2021, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) báo cáo gần 4,7 triệu lượt kiểm tra lý lịch - nhiều nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi hơn 20 năm trước.
Hai triệu lượt kiểm tra trong số đó là dành cho việc mua súng mới. Đây là tháng cao thứ hai được ghi nhận về doanh số bán súng, theo Liên đoàn Thể thao Bắn súng Quốc gia, nhóm thương mại ngành công nghiệp vũ khí so sánh số kiểm tra lý lịch của FBI với dữ liệu bán hàng thực tế để xác định doanh số bán hàng của họ.
Súng “ma” được Sở Cảnh sát San Francisco thu giữ năm 2019. Những loại hỏa khí này được bán dưới dạng bộ phận rời, không có số serial, có thể lắp ráp tại nhà mà không cần giấy phép hoặc kiểm tra nhân thân. Ảnh: AP.
T ỷ lệ giết người bằng súng cao nhất thế giới phát triển
Năm 2019, số người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn là khoảng 4 người trên 100.000 người, cao gấp 18 lần tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng súng góp phần làm tăng tỷ lệ giết người liên quan đến súng.
Gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ tin rằng sẽ có ít tội phạm hơn nếu có nhiều người sở hữu súng hơn, theo một cuộc khảo sát của cơ quan tư vấn độc lập Pew của Mỹ vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những nơi mọi người dễ dàng tiếp cận súng, những cái chết liên quan súng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn , bao gồm tự tử, giết người và không cố ý gây thương tích.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác tính theo đầu người. Tỷ lệ này ở Mỹ cao gấp 8 lần so với ở Canada, quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ 7 trên thế giới; cao gấp 22 lần so với ở Liên minh châu Âu (EU) và 23 lần so với ở Úc, theo dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) từ năm 2019.
Theo số liệu của IHME, tỷ lệ giết người liên quan súng ở Washington cao nhất so với bất kỳ tiểu bang của Mỹ, gần bằng mức ở Brazil, quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới về các vụ giết người liên quan súng.
Trên toàn cầu, các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe có tỷ lệ giết người bằng súng cao nhất, trong đó El Salvador, Venezuela, Guatemala, Colombia và Honduras đứng đầu bảng xếp hạng. Theo nghiên cứu về tỷ lệ tử vong toàn cầu do súng đạn, giai đoạn 1990-2016, các hoạt động của băng đảng ma túy và sự hiện diện của súng ống từ các cuộc xung đột cũ đều là những yếu tố góp phần.
Nhưng bạo lực liên quan súng ở Mỹ Latinh và Caribe cũng trở nên trầm trọng hơn do vũ khí đến từ Mỹ. Khoảng 200.000 khẩu súng từ Mỹ đi qua biên giới Mexico mỗi năm, theo một báo cáo vào tháng 2/2021 của Văn phòng Trách nhiệm giải trình của Chính phủ Mỹ, trích dẫn Chính phủ Mexico.
Năm 2019, khoảng 68% số vũ khí bị cơ quan thực thi pháp luật ở Mexico thu giữ và gửi đến ATF để nhận dạng có nguồn gốc từ Mỹ. Và khoảng một nửa số súng mà ATF đã kiểm tra sau khi chúng bị thu giữ ở Belize, El Salvador, Honduras và Panama được sản xuất tại hoặc nhập khẩu chính thức vào Mỹ.
Nữ giáo viên bang Utah của Mỹ được huấn luyện sử dụng súng. Ảnh: Getty Images.
Xả súng hàng loạt quy mô lớn nhất, tần suất dày đặc nhất thế giới
Không có quốc gia phát triển nào khác xảy ra các vụ xả súng hàng loạt với quy mô hoặc tần suất như Mỹ. Một nửa số quốc gia phát triển trên thế giới đã xảy ra ít nhất một vụ xả súng hàng loạt nơi công cộng từ năm 1998 đến năm 2019. Nhưng không quốc gia nào khác chứng kiến hơn 8 vụ xả súng trong 22 năm, trong khi Mỹ có hơn 100 vụ với gần 2.000 người thiệt mạng hoặc bị thương.
Các vụ xả súng hàng loạt thường xuyên là một hiện tượng độc đáo của Mỹ. Theo ông Jason Silva, trợ lý giáo sư xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất xảy ra các vụ xả súng hàng loạt trong 20 năm qua.
Để so sánh giữa các quốc gia, ông Silva sử dụng một định nghĩa bảo thủ về xả súng hàng loạt: Một sự kiện khiến 4 người trở lên thiệt mạng, không bao gồm kẻ xả súng và không bao gồm hoạt động tội phạm vì lợi nhuận, giết gia đình và bạo lực do nhà nước bảo trợ. Với định nghĩa này, 68 người đã thiệt mạng và 91 người bị thương trong 8 vụ xả súng nơi công cộng ở Mỹ trong năm 2019.
Một định nghĩa rộng hơn về các vụ xả súng hàng loạt cho thấy một con số thậm chí còn cao hơn. Gun Violence Archive (Lưu trữ Bạo lực Súng đạn), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington và là cơ sở mà CNN dựa vào để đưa tin về các vụ xả súng hàng loạt, định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là một vụ việc khiến ít nhất 4 người chết hoặc bị thương, không bao gồm kẻ xả súng và không phân biệt nạn nhân dựa trên hoàn cảnh mà họ bị bắn.
Gun Violence Archive đếm được có tới 417 vụ xả súng hàng loạt vào năm 2019. Và vào năm 2022, có tới 213 vụ xả súng hàng loạt được ghi nhận.
Một người phụ nữ đặt hoa tại đài tưởng niệm ở Monterey Park, California hôm 22/1. Ảnh: Los Angeles Times.
Chính sách súng của nhà nước dường như cũng đóng một vai trò. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Y khoa (Medical Journal) của Anh cho thấy, các bang của Mỹ có luật súng dễ dãi hơn và quyền sở hữu súng nhiều hơn có tỷ lệ xả súng hàng loạt cao hơn.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục kêu gọi cải cách súng đạn sau các vụ xả súng hàng loạt ở các bang Colorado, Nam Carolina và Texas vào năm ngoái. Tháng 3/2021, Hạ viện Mỹ thông qua luật yêu cầu những người bán tư nhân và không có giấy phép, cũng như tất cả những người bán được cấp phép phải thực hiện kiểm tra lý lịch liên bang trước tất cả các vụ mua bán súng, để đảm bảo rằng người mua đã được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.
Các dự luật hiện bị mắc kẹt tại Thượng viện Mỹ, nơi mặc dù một số thành viên đảng Dân chủ đã nỗ lực xây dựng sự ủng hộ của lưỡng đảng, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ có số phiếu để vượt qua cuộc tranh luận 60 phiếu.
Trong nhiều thập kỷ, các rào cản chính trị đã cản trở những nỗ lực như vậy ở Mỹ. Và sự chia rẽ đảng phái đó cũng được phản ánh trong dân số, với 80% đảng viên Cộng hòa và 19% đảng viên Dân chủ nói rằng, luật súng đạn ở Mỹ là đúng hoặc nên ít nghiêm ngặt hơn, theo cuộc khảo sát của Pew.
Trong khi đó, các vụ xả súng hàng loạt tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua nhiều súng hơn. Các nhà hoạt động kiểm soát súng cho rằng, thời gian cải cách đã quá hạn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington, Viện Luật thế giới St Louis’ Whitney R. Harris đã trình bày lập luận này trước Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ vào năm 2018, nói rằng “sự thất bại” của chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực liên quan súng đã hạn chế khả năng của người Mỹ được hưởng nhiều quyền tự do cơ bản và các bảo đảm được bảo vệ bởi luật nhân quyền quốc tế, bao gồm quyền được sống và sự toàn vẹn của cơ thể.
Các giáo sĩ địa phương tụ tập trong một buổi cầu nguyện gần hiện trường vụ xả súng ở Monterey Park, California ngày 22/1. Ảnh: USA Today.
Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng đã nhấn mạnh những lo ngại này, nhất là về luật “tự vệ” của Mỹ. Luật này cho phép chủ sở hữu súng ở ít nhất 25 bang sử dụng vũ lực chết người trong bất kỳ tình huống nào mà họ tin rằng họ sắp phải đối mặt với mối đe dọa gây hại mà không cần đưa ra bất kỳ hành động nào trước để giảm căng thẳng tình hình hoặc rút lui.
Một báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2019 cho rằng, luật này có thể khuyến khích mọi người ứng phó với các tình huống bằng vũ lực gây chết người, thay vì sử dụng nó như một phương sách cuối cùng.
Trong khi đó, những quốc gia đưa ra luật nhằm giảm thiểu số ca tử vong liên quan đến súng đã đạt được những thay đổi đáng kể, như Anh, Úc, New Zealand, Nam Phi…
Cảnh sát tiếp cận xe tải trắng mà sau đó họ phát hiện thi thể tay súng Huu Can Tran đã sát hại 10 người, làm bị thương 10 người khác. Ảnh: ABC News.