Mỹ sẵn sàng “thế chân” Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu

Thu Hoài |

Sau đổ vỡ của các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) và Bruxells (Bỉ), Chính phủ Mỹ những ngày qua liên tục phát đi tín hiệu rằng nước này sẵn sàng thế chân Nga để cung cấp khí đốt cho châu Âu trong trường hợp xung đột Nga-Ukraine leo thang.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 25% trong 2 phiên liên tiếp và hiện ở mức 90 euro/megawatt. Theo chủ các doanh nghiệp, việc giá khí đốt tăng vọt chủ yếu là do nguồn cung khí đốt hạn chế từ Nga, đúng thời điểm dự trữ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm.

Chỉ trong vòng 1 năm qua, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp 5 lần, khiến người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đồng thời đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế sau Covid-19. Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần cáo buộc Nga chơi “lá bài chính trị” về khí đốt bởi Moscow cung cấp hơn 40% tổng lượng khí đốt cho châu Âu, trong khi Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Nga đã cam kết sẽ giúp đổ đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và căng thẳng chính trị tiếp tục làm chao đảo thị trường năng lượng trong khu vực. 

Điều đó đã khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn và họ buộc phải đưa ra mức giá cao đối với khách hàng. Giá khí đốt tăng cao không chỉ gây ra gánh nặng cho người dân mà còn đè nặng lên sự phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, chìa khóa đang nằm trong tay châu Âu và các đồng minh: “Tất cả phụ thuộc vào các đối tác và khách hàng của chúng tôi tại Châu Âu. Một khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có thể đi hoạt động, châu Âu sẽ nhận được lượng khí đốt bổ sung của Nga. Điều này chắc chắn sẽ có tác động ngay lập tức đến giá cả trên thị trường. Và tất cả các quốc gia, người tiêu dùng ở những quốc gia tiêu thụ khí đốt của Nga sẽ tự cảm nhận được điều đó.”

Liên minh châu Âu vốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, tuy nhiên nguồn cung này đang bị xáo trộn sau khi các cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh tại Vienna và Brussel đổ vỡ, trong khi dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” vẫn chưa thể đi vào hoạt động do những tranh cãi về pháp lý.

Các nguồn tin tại Mỹ cho biết, nước này đã làm việc với các công ty năng lượng quốc tế nhằm cứu nguy cho châu Âu nếu xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Mỹ được dự báo trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm nay, trong khi Châu Âu cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với những nước như Nhật Bản hay Trung Quốc để tiếp cận được với nguồn cung cấp khí đốt này. Tuy nhiên, với việc nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu đang bị thắt chặt, trước mắt châu Âu sẽ rất khó trông chờ tình hình được cải thiện trong những tháng tới và một nghiên cứu gần đây của Đại học Manchester cho thấy, có tới 80 triệu hộ gia đình trên khắp châu Âu đang phải vật lộn để giữ cho ngôi nhà của họ đủ ấm trước đại dịch./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại