Mỹ rút lui, Trung Quốc đẩy mạnh dự án "khủng bậc nhất hành tinh" để tìm lời giải cho những bí ẩn sâu thẳm của vũ trụ

Tất Đạt |

Sau khi Mỹ rút lui, Trung Quốc các quốc gia thành viên tiếp tục hoàn thành dự án vũ trụ quan trọng đối với ngành khoa học của thế giới trong tương lai.

Mỹ rút lui, Trung Quốc đẩy mạnh dự án khủng bậc nhất hành tinh để tìm lời giải cho những bí ẩn sâu thẳm của vũ trụ - Ảnh 1.

Dự án vũ trụ "khủng"

Những thiết bị đầu tiên mà Trung Quốc chế tạo cho mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới sẽ sớm được lắp đặt ở Nam Phi để giúp phát hiện tín hiệu từ những nơi xa xôi nhất của vũ trụ.

Theo SCMP, 4 đĩa vô tuyến rộng 15 mét, cao 20 mét, được phát triển bởi các kỹ sư tại Viện nghiên cứu 54 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc tại Thạch Gia Trang, sẽ được lắp đặt vào đầu năm tới tại Công viên Quốc gia Meerkat - địa điểm trung tâm thuộc Đài quan sát Square Kilometre Array (SKAO).

Được xây dựng bởi các nhà khoa học và kỹ sư từ 20 quốc gia, SKAO sẽ là tổ hợp của khoảng 200 đĩa parabol ở Nam Phi và hơn 131.000 ăng-ten hình cây thông ở Australia, với diện tích thu thập tổng cộng 1 km vuông.

Với độ nhạy cao hơn 50 lần so với bất kỳ thiết bị vô tuyến nào khác và tốc độ quét nhanh hơn 10.000 lần, SKAO sẽ được sử dụng để nghiên cứu nhiều hiện tượng, từ những bí ẩn về vật chất tối và năng lượng tối đến tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất và thử nghiệm thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein.

Mỹ rút lui, Trung Quốc đẩy mạnh dự án khủng bậc nhất hành tinh để tìm lời giải cho những bí ẩn sâu thẳm của vũ trụ - Ảnh 2.

Mỹ đã từng là một thành viên tham gia dự án SKAO nhưng sau đó quyết định rút lui vào năm 2011. Trong cuộc khảo sát nhằm xác định các ưu tiên của cộng đồng thiên văn học vào năm 2010, “thông tin về thiết kế và ước tính chi phí của SKAO còn thiếu rất nhiều, và bởi vậy, có những dự án được ưu tiên hơn nó”, giám đốc SKAO Philip Diamond cho biết vào tuần trước.

Với tư cách là thành viên sáng lập của SKAO, Trung Quốc chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển và cung cấp tổng cộng 68 đĩa vô tuyến hiện đại vào năm 2027, bao gồm những cải tiến kỹ thuật quan trọng.

Theo nhà thiết kế trưởng Du Biao, mỗi đĩa vô tuyến sử dụng 66 tấm hình tam giác để tạo thành cấu trúc lưới lục giác ba chiều và mỗi tấm hình tam giác có một cấu trúc cong độc đáo.

Ông Du nói với đài truyền hình CCTV: “Việc thiết kế một hệ thống trong đó các vị trí của tấm phản chiếu chính, tấm thứ hai và bộ thu được căn chỉnh với độ chính xác dưới 1mm là một thách thức lớn”.

Nhiều năm phát triển

Trung Quốc đã tích cực tham gia vào dự án này từ đầu những năm 1990. Ý tưởng về SKAO đã xuất hiện từ các cuộc trò chuyện giữa các nhà khoa học trên khắp thế giới về bước tiến lớn tiếp theo trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến.

Một nhóm do nhà thiên văn vô tuyến Nan Rendong dẫn đầu đã từng đề xuất đặt dự án SKAO ở Trung Quốc bằng cách xây dựng một số lượng đáng kể các đĩa vô tuyến khổng lồ ở phía tây nam nước này.

“Thiết kế được xác định là không đáp ứng đầy đủ các mục tiêu khoa học của cộng đồng SKAO và không lọt vào danh sách cuối cùng. Chỉ có Australia và Nam Phi nằm trong danh sách rút gọn vào năm 2005,” giám đốc SKAO Diamond nói.

Ông nói thêm: “Trung Quốc là đối tác vô cùng có giá trị và đáng tin cậy đối với Đài quan sát SKA”.

Ngoài các đĩa ở Nam Phi, Trung Quốc cũng đóng vai trò chính trong việc phát triển hệ thống xử lý tín hiệu cho ăng-ten ở Australia cũng như cái gọi là Khu vực Trung tâm SKA, nơi sẽ cung cấp cho cộng đồng khoa học quyền truy cập vào dữ liệu của SKA.

Ông chỉ ra rằng Kính thiên văn hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) của Trung Quốc, là kính viễn vọng vô tuyến một đĩa lớn nhất thế giới do Nan và nhóm của ông chế tạo sau khi nỗ lực trở thành nước chủ nhà SKA thất bại.

“FAST là một công cụ tuyệt vời và mặc dù chỉ mới hoạt động được vài năm nhưng nó đã có những thành tựu hoạt động khoa học xuất sắc, chẳng hạn như những đóng góp để phát hiện sóng hấp dẫn trong vũ trụ”, ông Diamond nói.

Trong khi đó, SKAO bao phủ dải tần rộng hơn nhiều và có thể tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao hơn FAST, bằng cách áp dụng cái gọi là công nghệ tổng hợp khẩu độ.

Khi SKA hoàn thành, Trung Quốc sẽ được phân khoảng 8% thời gian quan sát, tương ứng với mức đóng góp tài chính của từng thành viên sáng lập.

Bảy quốc gia thành viên ban đầu của SKAO – khi dự án được thành lập tại Rome vào tháng 3/2019 - là Australia, Trung Quốc, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Vương quốc Anh.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại