Mỹ rút khỏi UNESCO: Không quá bất ngờ nhưng vô cùng nguy hiểm

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO có tác động nguy hiểm đối với LHQ khi tạo tiền lệ xấu, báo động khả năng Mỹ tiếp tục rút khỏi một số tổ chức khác của LHQ.

Có thể không nhưng cũng rất có thể việc Mỹ quyết định rút ra khỏi tổ chức Unesco của Liên hợp quốc đã đóng vai trò "con ruồi đậu nặng đồng cân" giúp ứng cử viên của Pháp, bà cựu Bộ trưởng văn hoá Pháp Audrey Azoulay đắc cử Tổng giám đốc mới của Unesco với 30 phiếu bầu so với 28 phiếu dành cho ứng cử viên của Qatar Abdulaziz Al-Kuwari.

Rất có thể nhiều nước đã dồn phiếu bầu bà Azoulay vì cho rằng nếu người phụ nữ này chứ không phải người đàn ông kia đứng đầu tổ chức Unesco thì cơ hội nước Mỹ trở lại Unesco, cho dù khó có thể xảy ra chừng nào ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ thực tế hơn nhiều.

Đối với Unesco, việc Mỹ rút khỏi tổ chức vào thời điểm hiện tại chẳng hay ho gì về chính trị trong khi không đưa lại biến động lớn về ngân sách vì Mỹ đã ngừng đóng góp tài chính theo nghĩa vụ thành viên cho Unesco từ năm 2011 và vì thế đã bị truất quyền biểu quyết trong Unesco từ năm 2013.

Không có đóng góp tài chính của Mỹ, cho dù với mức độ chiếm một phần năm, Unesco vẫn hoạt động và vẫn nỗ lực thực thi sứ mệnh cao cả của tổ chức.

Đối với Mỹ, quyết định này không có gì phi logic. Vì hai lý do.

Quyết định không gây bất ngờ

Mỹ rút khỏi UNESCO: Không quá bất ngờ nhưng vô cùng nguy hiểm - Ảnh 1.

Israel từng chỉ trích UNESCO sau khi cơ quan này thông qua nghị quyết gây tranh cãi khi không đề cập mối liên hệ giữa người Do Thái với một thánh địa trọng điểm ở Jerusalem. Ảnh Reuters

Thứ nhất, xưa nay Mỹ vốn đã định kiến và thiếu thân thiện với Unesco từ lâu rồi. Mỹ luôn cho rằng Unesco đã bị chính trị hoá, thù địch Israel và chống Mỹ, phục vụ chủ yếu lợi ích của các nước Ả rập và đặc biệt là thiên lệch về phía Palestin.

Năm 1974, Tổng thống Mỹ khi ấy là Gerald Ford đã khuyến nghị Quốc hội Mỹ tạm ngừng đóng góp tài chính cho Unesco sau khi tổ chức này thông qua một nghị quyết ủng hộ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Năm 1984, nước Mỹ ra khỏi Unesco và mãi đến năm 2002 mới trở lại tổ chức này. Năm 2011, Mỹ ngừng đóng góp tài chính theo nghĩa vụ thành viên cho Unesco sau khi Unesco kết nạp Palestin làm thành viên chính thức.

Vì Mỹ không thực hiện nghĩa vụ tài chính của thành viên nên từ năm 2013 đã bị tước quyền biểu quyết trong Unesco. Có thể thấy Mỹ tự cô lập mình và bị cô lập trong Unesco đã từ mấy năm nay và chuyện Mỹ thường xuyên "ông chẳng bà chuộc" với Unesco đã có truyền thống.

Hai năm qua, Unesco công nhận một số di tích và địa danh ở Jerusalem và Hebron là di sản văn hoá của nhân loại bất chấp phản đối và chống phá của Mỹ và Israel. Chuyện Mỹ rút ra khỏi tổ chức này đã được phía Mỹ không ít lần xa gần đề cập đến.

Thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn không coi trọng và đề cao LHQ. Khẩu hiệu tranh cử và phương châm cầm quyền "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump trong chính sách đối với LHQ là giảm đóng góp tài chính và tham gia của Mỹ cho ngân quỹ và hoạt động của LHQ.

Vì thế, chậm nhất cho tới khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ, việc Mỹ rút ra khỏi Unesco chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cũng chính vì thế mà nhiều khả năng thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi Unesco không tình cờ trùng vào thời điểm ngay trước hai vòng cuối cùng và quyết định bầu Tổng giám đốc mới cho Unesco. Các nước Ả rập đòi hỏi từ rất lâu rồi có đại diện của họ đứng đầu Unesco.

Mỹ rút khỏi UNESCO: Không quá bất ngờ nhưng vô cùng nguy hiểm - Ảnh 2.

Bà Azoulay là người châu Âu thứ 8 trong danh sách 11 tổng giám đốc của tổ chức này kể từ khi thành lập năm 1948 đến nay. Ba người còn lại đến từ Nhật Bản, Senegal và Mexico. Ông Abdulaziz Al-Kuwari là ứng cử viên rất sáng giá nhưng bị Mỹ và Israel coi là bất lợi đối với họ.

Mỹ đưa ra 2 lý do biện minh cho quyết định rút khỏi Unesco là quan điểm chính sách của Unesco chống Israel và Unesco cần phải được cải tổ cơ bản để nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động. Mỹ cáo buộc Unesco để cho bị chính trị hoá trong khi quyết định nói trên của Mỹ hoàn toàn là quyết định chính trị và phục vụ lợi ích chính trị của Mỹ.

Trên thực tế, Unesco đến nay đã quen với tình trạng Mỹ không hoàn tất nghĩa vụ đóng góp tài chính của thành viên. Không thể phủ nhận thách thức đối với Unesco là phải cải cách tổ chức và điều chỉnh định hướng hoạt động. Nhưng có thể thấy là Unesco không vì Mỹ và Israel rút khỏi mà bị tê liệt.

Mỹ bỏ đi tạo cơ hội cho nhiều thành viên khác gây dựng và đề cao vai trò riêng trong Unesco. Mỹ sẽ không thể thành công nếu muốn biến Unesco thành con tin của đóng góp tài chính của Mỹ. Rồi lợi ích sẽ lại buộc Mỹ tham gia trở lại Unesco. Sự trở lại năm 2002 là bằng chứng.

Tuy nhiên, việc này có tác động nguy hiểm đối với LHQ khi tạo tiền lệ xấu, khi báo động về khả năng Mỹ sẽ còn hạn chế nữa đóng góp tài chính cho LHQ và tham gia các hoạt động chung của LHQ, thậm chí có thể tiếp tục rút khỏi một số tổ chức khác của LHQ, đặc biệt Uỷ ban nhân quyền của LHQ.

Vì thế, bên cạnh việc các thành viên LHQ càng phải ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa và tham gia thiết thực hơn nữa hoạt động của Unesco và vận động, hối thúc Mỹ trở lại tổ chức, bản thân Unesco cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tự cải tổ ở những phương diện cần cải tổ, điều chỉnh định hướng hoạt động cho thích hợp với bối cảnh tình hình mới và khả năng tài chính mới.

Tổng thống Trump tới Jerusalem

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại