Mỹ ráo riết chạy đua với thời gian để lật đổ Trung Quốc trong lĩnh vực mang ý nghĩa sống còn với ngành công nghệ

Lục Trúc |

Chính phủ Mỹ đang tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo có được các khoáng sản thiết yếu đối với các công nghệ hiện đại nhưng đang bị Trung Quốc thống trị nguồn cung ứng - một cái "thòng lọng" mà các chuyên gia khai khoáng cảnh báo rằng sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể cởi bỏ được.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây khác đã đầu tư vào nhiều dự án và cấp phép để khai thác các nguồn tài nguyên thiết yếu cho việc sản xuất xe điện, điện thoại di động và động cơ tuốc bin gió trong một nỗ lực của các quốc gia này nhằm tăng tốc bắt kịp với Trung Quốc.

Cuối tháng 9, tổng thống Trump đã ký sắc lệnh tuyên bố tình trang khẩn cấp quốc gia và cho phép áp dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm tăng tốc độ phát triển khai mỏ. Đạo luật này từng được sử dụng vào đầu năm nay để gia tăng tốc độ sản xuất vật tư y tế trong đại dịch.

Hãng sản xuất có trụ sở ở Ireland TechMet Ltd cho biết DFC, một cơ quan của chính phủ Hoa kỳ phụ trách việc cho vay và đầu tư, đã đầu tư một khoản trị giá 25 triệu USD cho các dự án của hãng nhằm sản xuất và tái chế các nguồn tài nguyên như nickel hay coban dùng trong sản xuất pin, ắc quy.

Các chuyên gia khai khoáng và các nhà phân tích đã hoan nghênh những động thái này nhưng cũng cảnh bảo rằng có thể mất tới 10 năm để thiết lập mỏ và Phương Tây cũng cần phát triển năng lực chế biến các tài nguyên này thành nguyên liệu để sử dụng trong sản xuất hàng hóa.

Giám đốc điều hành TechMet, Brian Menell cho rằng "Để đánh bật vị thế thống trị tuyệt đối của Trung Quốc với đất hiếm là một quá trình tốn kém và kéo dài. Và không có giải pháp nào nhanh chóng cả".

Các nguyên tố đất hiếm, được sử dụng trong pin, ắc quy và các thiết bị điện tử, là một trong 35 loại khoáng sản mà chính phủ Hoa Kỳ coi là thiết yếu với nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Hoa Kỳ cho biết nước này đã nhập khẩu tới 80% các nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc với những nguồn cung khác cũng gián tiếp từ quốc gia này. Hoa Kỳ không có khả năng sản xuất nội địa với 14 trong tổng số 35 khoảng sản thiết yếu.

Các khoáng sản này bao gồm gallium, một nguyên tố được sử dụng trong bóng đèn dios phát quang và thiết bị bán dẫn cho điện thoại di động. Những khoáng sản thiết yếu cũng được sử dụng trong các ngành có công nghệ thấp hơn. Trung Quốc cung cấp một nửa sản lượng barit cho Hoa Kỳ, chất được sử dụng trong kỹ thuật thủy lực cắt phá, điều đã giúp cách mạng ngành công nghệ hóa dầu của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã xây dựng vị thế thống trị về cung cấp nhiều loại khoáng sản này do tình trạng dư thừa trong nước, với những đạo luật môi trường cởi mở hơn và trợ cấp dành cho sản xuất và chế biến đã giúp quốc gia này dễ dàng trong việc khai mỏ.

Cho tới thập niên 80 thế kỷ trước, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới và đã tạo ra các công nghệ mới dựa trên chế biến nguồn tài nguyên này, tuy nhiên hiện nay quốc gia này chỉ còn duy trì khai thác loại tài nguyên này tại một khu vực mỏ, mỏ Mountain Pass tại bang California và không có bất kỳ nhà máy chế biến nào.

David Henderson, nhà sáng lập hãng tư vấn Rittenhouse International Resources LLC, cho biết rằng Hoa Kỳ hiện thiếu hụt chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực này và sẽ cần phải hợp tác với các đồng minh như Úc và Canada để bắt kịp.

Thậm chí ngay cả khi bạn có thể khai thác mỏ nguồn khoáng sản này, Trung Quốc vẫn thống trị cả chuỗi cung ứng. Ví dụ, để sản xuất nam châm, bạn cần phải khai thác đất hiếm, và chiết xuất chúng từ quặng thô sau đó phân tách chúng thành từng nguyên tố riêng biệt. Sau đó, chúng sẽ được chế biến thành các thỏi kim loại nam châm mà được dùng để sản xuất ra nam châm. Các công ty của Trung Quốc có thể triển khai toàn bộ các khâu trên, đôi khi là tất cả các khâu trong cùng một công ty. Trong khi đó chỉ có duy nhất một công ty ở ngoài quốc gia này có thể làm được điều tương tự là công ty Neo Performance Materials ULC của Canada.

Sắc lệnh của tổng thống Trump kêu gọi một cuộc đánh giá về quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc liên quan tới các khoáng sản thiết yếu và cho rằng Chính phủ có thể cung cấp các khoản trợ cấp và cho vay nhằm khởi động việc sản xuất và chế biến. Chính phủ cũng cho biết họ có thể ban hành thuế quan và hạn ngạch đối với việc nhập khẩu các khoáng sản này từ Trung Quốc.

Vào năm 2012, Chính quyền Obama đã gửi đơn kiện lên tổ chức Thương mại thế giới nhằm yêu cầu Trung Quốc phải nới lỏng các giới hạn đối với việc xuất khẩu đất hiếm. Và tới năm 2017, chính quyền Trump đã ban hành sắc lệnh nhằm xây dựng chiến lược để giảm phụ thuộc vào sự gián đoạn trong nguồn cung các nguồn khoáng sản thiết yếu. Kể từ đó, chính phủ đã tài trợ cho một số dự án.

Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đang tài trợ một phần cho việc phát triển một cơ sở chế biến tại mỏ quặng ở California và cũng hỗ trợ một nhá máy phân tách tại Texas. Vào năm nay, Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 30 triệu USD vào công tác nghiên cứu các khoáng sản thiết yếu.

Các quốc gia khác cũng đang gia tăng các nỗ lực của mình

Vào tháng trước, Liên minh Châu Âu đã công bố một kế hoạch hành động nhằm gia tăng các nguồn tài nguyên nội địa và đa dạng hóa nguồn cung cấp đối với 30 loại khoáng sản thô. Canada gần đây cũng đã tài trợ cho một nhà máy chế biến đất hiếm tại Saskatchewan, trong khi Úc cung cấp các khoản vay để phát triển ngành công nghiệp nội địa trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia khai khoáng cho rằng sắc lệnh của ông Trump có thể khuyến khích một ngành công nghiệp khai thác các khoáng sản thiết yếu một cách vững mạnh hơn, hoặc ít nhất bởi vì các nhà đầu tư có lẽ sẽ muốn quay trở lại với những công ty mà họ tin rằng được chính phủ hỗ trợ. Giá trị cổ phiếu của các công ty khai khoáng hoặc có ý định khai khoáng các khoáng sản thiết yếu đã tăng ngay khi sắc lệnh trên được ban hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại