Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ gửi cho Ukraine hai hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS. Ảnh: Reuters
Gói hỗ trợ trị giá khoảng 820 triệu USD đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm 30-6 tại thủ đô Madrid sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo hãng tin Reuters, Lầu Năm góc hôm 1-7 cung cấp thêm chi tiết về gói viện trợ quân sự mới của chính quyền ông Biden. Gói hỗ trợ an ninh mới nhất cũng bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho rằng các hệ thống radar phản pháo sắp chuyển giao là AN/TPQ-37 của hãng công nghệ Raytheon. Đây là lần đầu tiên các hệ thống có tầm bắn xa gấp 3 lần hệ thống AN/TPQ-36 đã gửi trước đó được chuyển giao cho Kiev.
Tính cả các đợt hỗ trợ mới nhất, Mỹ hiện đã cam kết viện trợ gần 6,9 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này hồi cuối tháng 2.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Vladimir Putin hôm 30-6 đã ký sắc lệnh thành lập công ty mới vận hành dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu mỏ Sakhalin-2.
Nhà máy khí hóa lỏng của dự án Sakhalin-2 ở Prigorodnoye, cách Yuzhno-Sakhalinsk, thành phố thuộc đảo Sakhalin ở phía Đông nước Nga khoảng 70 km. Ảnh: Reuters
Bà Lucy Cullen, nhà phân tích chính của Công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: "Sắc lệnh của Nga trưng thu một cách hiệu quả các cổ phần nước ngoài trong Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin, động thái đánh dấu sự leo thang hơn nữa trong căng thẳng hiện nay".
Nhật Bản lo ngại lợi ích năng lượng của nước này bị tác động sau động thái nói trên của Nga. Cụ thể, hai công ty thương mại Mitsui và Misubishi của Nhật Bản lần lượt sở hữu 12,5% và 10% cổ phần trong dự án Sakhalin-2 nhưng tương lai các khoản đầu tư này trở nên bất định sau sắc lệnh của Moscow. Theo sắc lệnh mới, các cổ đông nước ngoài có được phép tiếp tục đầu tư hay không tùy thuộc vào chính phủ Nga.
Nhật Bản trước đó tuyên bố không rút khỏi dự án Sakhalin-2 dù tham gia các lệnh trừng phạt năng lượng do phương Tây áp đặt lên Nga.
Nga tuyên bố sắc lệnh mới là phản ứng trước những hành động không thân thiện của các nước đang áp đặt biện pháp hạn chế lên Nga vì xung đột Ukraine.
Sắc lệnh cũng cảnh báo chính phủ Nga sẽ kiểm toán tài chính, môi trường và kỹ thuật đối với các bên nước ngoài liên quan và xác định bất kỳ thiệt hại nào do họ gây ra để yêu cầu bồi thường.
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu một phần do nhiều lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động sau thảm họa Fukushima năm 2011. Nga cung cấp gần 9% nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nhật Bản trong khi lượng LNG xuất khẩu của Úc chiếm 40% thị trường Nhật Bản.