Dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ Mỹ - Nhật, nhật báo Sankei Shimbun và hãng tin Kyodo đưa tin hồi đầu tuần này, Washington và Tokyo đã tổ chức cuộc tập trận chung hải quân với sự tham gia của các tàu khu trục Nhật Bản và nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ.
Theo tờ Sankei, cuộc tập trận lần này là nhằm đưa ra lời cảnh báo với Triều Tiên. Tuy nhiên, đợt diễn tập này còn muốn phô diễn năng lực quân sự của Mỹ và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, khu vực mà cả Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo hiệp ước an ninh, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hứa với chính phủ Nhật Bản về việc bảo vệ hòn đảo Senkaku/Điếu ngư trong trường hợp khu vực này bị tấn công.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới thông tin hải quân Mỹ và Nhật đang tiến hành tập trận chung ở biển Hoa Đông như truyền thông nước này đưa tin.
Song theo truyền thông Nhật Bản, cuộc tập trận chung trên biển Hoa Đông diễn ra ngay sau khi Triều Tiên cho phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3. Trong đó, 3 tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống khu vực nằm gần với đất liền Nhật Bản.
Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng tên lửa hôm 6/3 là nhằm diễn tập khả năng tấn công các căn cứ của quân đội Mỹ và Nhật Bản. Vụ phóng lần này do chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát.
Ngoài tập trận chung với Nhật Bản, hàng năm, Seoul và Washington cũng tiến hành các đợt diễn tập chung. Bình Nhưỡng thường lên tiếng cáo buộc đây là các cuộc diễn tập nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào Triều Tiên. Theo tờ Sankei, tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson của Mỹ sẽ tham gia đợt diễn tập của quân đội Mỹ - Hàn ngay sau khi hoàn thành tập trận với Nhật Bản.
Các cuộc tập chung Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn còn diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị tới thăm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vào tuần tới. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Tillerson tới khu vực kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
Hôm 6/3, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thông báo nước này đã vận chuyển những thiết bị đầu tiên của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc. THAAD được kỳ vọng là lá chắn hữu hiệu giúp Hàn Quốc ngăn chặn các cuộc tấn công từ tên lửa Triều Tiên.
Tuy nhiên, hành động của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Bắc Kinh còn nhấn mạnh "sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia". Theo Trung Quốc, sự xuất hiện của THAAD ở Hàn Quốc sẽ chỉ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm bất ổn.