Bà chính là Đặng Thị Huệ - một phi tần của chúa Trịnh Sâm.
Đặng Thị Huệ sinh ra trong gia đình thường dân nghèo khổ ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khi vào phủ chúa, bà chỉ là một nữ tỳ.
Theo bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí, một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Nhìn thấy người đẹp mắt phượng mày ngài, vẻ ngoài mười phần xinh đẹp, chúa Trịnh Sâm rất bằng lòng, bèn tư thông với nàng. Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được chúa yêu quý, lập làm Tuyên Phi.
Năm Đinh Dậu (1777), Tuyên Phi sinh hạ con trai tên là Trịnh Cán. Biết chúa rất sủng ái, bà ngày đêm mưu tính việc giành lấy ngôi vị thế tử cho con trai.
Cũng vì say mê và nghe theo Đặng Thị Huệ, Trịnh Sâm phế bỏ ngôi thế tử của Trịnh Tông (con trưởng) để lập con của Tuyên Phi là Trịnh Cán mới 4 tuổi lên làm thế tử. Chính vì thế mới tạo ra mầm mống bất ổn giữa phe Trịnh Tông và Trịnh Cán.
Sau này, phe kiêu binh diệt Cán, phù Tông lên ngôi chúa nhưng lại cậy công làm náo loạn kinh thành. Cơ đồ vững chắc nhà Trịnh vì thế mà tiêu tan.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí có viết về đoạn cuối cuộc đời Đặng Thị Huệ như sau:
“Khi chúa nhỏ (Trịnh Cán) bị bỏ, Thái phi (mẹ của Trịnh Tông) liền sai người bắt Tuyên phi hặc tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp…
Sau thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm”.