'Mỹ nhân màn ảnh Việt': Bác sĩ từng bảo tôi chỉ có thể sống được 3 năm nữa

Lê Chi/ VTC News |

Mỹ nhân màn ảnh Việt - NSND Hoàng Cúc cho biết, khi mới phát hiện bệnh ung thư, các bác sĩ từng bảo bà chỉ có thể sống được 3 năm nữa.

Thập niên 1990, NSND Hoàng Cúc là gương mặt nổi trội của sân khấu và điện ảnh, được mệnh danh là ''mỹ nhân màn ảnh''. Bà từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội,

Năm 2010, bà phát hiện bị ung thư gần đến giai đoạn ba. Với tinh thần tích cực cùng sự chăm sóc đặc biệt của gia đình, NSND Hoàng Cúc vượt qua bạo bệnh. Ở tuổi U70, nữ nghệ sĩ vẫn đầy lạc quan, luôn muốn cống hiến cho nghệ thuật.

 - Ảnh 1.

NSND Hoàng Cúc.

- Được biết đến là ''mỹ nhân màn ảnh'' với nhiều vai diễn sân khấu, điện ảnh nổi tiếng, nhưng mới đây, bà ra mắt trường ca về cuộc đời ở tuổi U70 khiến nhiều người bất ngờ.

Trường ca Cúc gắn liền đến cuộc đời của tôi, cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của những nhân vật tôi từng diễn, số phận con người nói chung, đặc biệt là thân phận phụ nữ. Trường ca cũng là mối tổng hoà, chưng cất lên để tạo ra cách nhìn đa chiều khi vào thơ của tôi.

Cúc không dừng lại ở những câu chuyện mang tầm vóc lịch sử của Tổ quốc và dân tộc như chiến tranh, ly loạn, cuộc sống thời kì bao cấp… mà về với đời thường.

Thời gian tôi sáng tác tác phẩm này không ngắn nhưng thời điểm đó chưa có mạng xã hội, tôi thường viết vào những cuốn sổ, có những giai đoạn tôi chuyển nhà nên đã thất lạc một số bài.

Khi tôi ra trường ca, được sự ủng hộ của gia đình rất lớn. Tôi sáng tác về thơ nhưng không có ý định ra mắt một tập trường ca lớn như thế. Nhưng con gái bảo tôi nên làm để đánh dấu một bước ngoặt chuyển từ biểu diễn sang thi ca.

Tôi là người ngoại đạo nên rất vui mừng khi sáng tác thơ được nhiều người, trong đó có các nhà văn, nhà thơ đón nhận. Họ đánh giá đây là một bước ngoặt rất âm thầm nhưng có giá trị, mang tính chất sáng tạo của cá nhân, một hơi thở rất mới, phả vào đời sống thi ca của Việt Nam.

Toàn bộ doanh thu của trường ca sẽ được làm từ thiện, hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tiếp nối công việc thiện nguyện mà tôi đã cống hiến và thực hiện trong nhiều năm qua.

 - Ảnh 3.

NSND Hoàng Cúc có gần 15 năm chiến đấu với bệnh ung thư.

-  Là diễn viên nổi tiếng, từng giữ vị trí Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, bà tìm đến với thi ca khi nào?

Từ trước đến giờ, thế giới quan và nhân sinh quan của tôi không thay đổi. Tôi nghĩ mình nên hồn nhiên. Hồn nhiên để nhìn mọi sự vật vốn là thế. Nếu nó thay đổi thì mình cũng phải hiểu rằng đó là vô thường.

Có những quy luật chúng ta nên chấp nhận và nhìn nó với một tâm thế mang khát vọng sống. Vượt qua tất cả mọi điều đó rồi, cuối cùng chúng ta có một khát vọng sống đẹp, sống hữu ích, sống có nhân đức. Nếu có cho đi, đừng hy vọng nhận lại gì cả. Chỉ cần thấy được nụ cười và mỗi khi tên mình được nhắc đến với sự yêu thương và ấm áp là đủ.

Bỗng ngày kia khi tôi bị bệnh, tôi ngồi viết truyện hay làm thơ như lẽ sống. Nó là tinh hoa, chắt lọc ngay từ bản thân chính mình. Ngủ dưới ánh đèn rồi chuyển sang trạng thái khác cũng là niềm vui. Tôi giữ niềm đam mê chính cuộc sống của mình để nuôi dung dưỡng cho linh hồn mình, xác thân mình. Thay đổi vẻ ngoài bản thân để làm mới, cảm thấy không chán mình. Tôi quyết định tẩy tóc, nhuộm tóc bạch kim và giờ đó là màu tóc chính của tôi.

Nói rằng đến với thơ để tìm sự an yên chỉ là cách nói thôi. Đó không phải sự an yên thuần tuý. Mà nó là sự xáo trộn về tâm tưởng và phải rung động mới có thơ được. Thơ văn là mượn nỗi đau của người khác để nói nỗi đau của mình, mượn niềm vui của người khác thành niềm vui của mình. Đôi lúc là mình đấy nhưng có khi lại chẳng phải là mình.

Đi qua tất cả, tôi nhận ra rằng, mình muốn tồn tại để làm được nhiều việc nữa giúp cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều năm qua, tôi tham gia quỹ chương trình "Nuôi em trên miền ngược" do thành viên của ban nhạc Bức tường tổ chức. Dù không phải số tiền quá lớn nhưng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ, nuôi các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến năm 18 tuổi, để các em được đi học, có việc làm và thoát nghèo. Vừa qua, các con cũng thay tôi cũng lên Mù Cang Chải để xây trường, các con muốn tôi thấy giá trị đích thực của công việc mình đang làm.

 - Ảnh 4.

Hiện tại, bà sống lạc quan với nhiều thú vui làm thơ, viết truyện ngắn, chụp ảnh, đi du lịch, làm từ thiện.

- Bà khám phá điều gì ở bản thân khi cầm bút?

Tôi đã đọc ở đâu đó nói rằng người tài thường có đa tính cách. Nếu không có nhiều tính cách, sẽ không bao giờ sáng tạo được cả, nhất là nghệ sĩ.

- NSND Hoàng Cúc từng chia sẻ rằng: "Đi qua những bất hạnh, bây giờ, tôi cũng chẳng sợ cái chết nữa"... Trong hành trình 14 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, có khi nào bà tuyệt vọng, muốn buông xuôi?

Chưa bao giờ. Buông xuôi là chết sớm (cười). Khi tôi chữa bệnh. Bác sĩ nói rằng, tôi chỉ có thể sống được 3 năm nữa, nhưng đến giờ, tôi đã sống được gần 15 năm rồi. Trước hôm ra thơ, tôi cũng đi mổ nội soi. Nếu tôi buông xuôi thì sẽ không thể có thần thái trong đêm trường ca “Cúc” như vây.

Trong một cuốn tiểu thuyết tôi từng đọc có câu "trông chết cười ngạo nghễ", cho nên tôi xem cái chết không có gì đáng sợ. Có câu ở trong đạo Phật mà tôi rất thích, đó là “Dù mai là tận thế thì sen đêm nay vẫn gieo trồng”, nghĩa là, dù ngày mai không còn tồn tại thì hôm nay tôi vẫn phải sống vui vẻ và thoải mái.

 - Ảnh 5.

Hàng ngày, NSND vẫn ngồi thiền, tập yoga và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh để giữ gìn sức khỏe.

- Ngược dòng thời gian, cơ duyên nào đưa bà đến với kịch nói khi NSND Hoàng Cúc từng trúng tuyển khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam?

Tôi thi trúng tuyển khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong lúc chờ nhập học, tôi lên Tuyên Quang thăm chị gái thì được đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang vận động vào phục vụ biểu diễn, sau đó có hai năm công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh này. Lúc đó đoàn thiếu diễn viên nên dù chuyên môn là thanh nhạc nhưng tôi kiêm thêm cả diễn kịch, múa.

Sau đó, tôi tình cờ thấy thông báo tuyển sinh của Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc tại phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên. Các anh chị trong đoàn cũng khuyên tôi theo nghiệp kịch nói vì tuổi nghề còn dài, có nhiều trải nghiệm thú vị.

Tôi đăng ký học kịch nói 4 năm, đồng thời học song song thanh nhạc nhưng thầy giáo khuyên nên tập trung vào một chuyên môn. Vì thế tôi chuyển hẳn sang kịch. Đến khi ra trường, tôi thích đi diễn kịch nên xin về Đoàn kịch Hà Nội vào năm 1982.

 - Ảnh 7.

Nhan sắc thời trẻ của NSND Hoàng Cúc.

- Sân khấu kịch miền Bắc từng có thời điểm khó khăn, thăng trầm. Nhiều nghệ sĩ phải bươn trải để duy trì đam mê nghiệp diễn, bà có khi nào rơi vào tình trạng đó?

Kinh tế thị trường xuất hiện khiến sân khấu "hẻo" khán giả. Đó là một bi kịch quá lớn đối với sân khấu, và người nghệ sĩ lúc ấy. Thời điểm đó khó khăn đến mức rất nhiều bạn trẻ ở nhà hát đã phải đi lao động xuất khẩu ở Liên Xô hoặc Đức. Nhưng chúng tôi quá đam mê nghề, chấp nhận số phận ở lại, thậm chí ăn bữa nay lo bữa mai.

Cát-xê một đêm diễn không đủ tiền ăn bát phở, lương không đủ để nuôi con nên buộc lòng phải ra ngoài kiếm sống. Thời đó, anh Hoàng Dũng đi bán quần áo trẻ con ở phố Hàng Đường, chị Minh Vượng đi bán giày dép, Tiến Đạt bán comple… còn tôi mở tiệm áo cưới.

Tôi đến với công việc này cũng rất tình cờ. Khi đi dự Liên hoan Phim Kiếp phù du ở Pháp, tôi ở một khách sạn Trung tâm Paris, gần đó có rất nhiều cửa tiệm áo cưới hoành tráng, cầu kỳ, lộng lẫy khác hẳn ở Việt Nam. Tôi mơ ước có cửa hàng như vậy. Do đó, khi gom góp được mấy chục triệu, tôi mua áo cưới trong TP.HCM ra mở tiệm.

Không biết có phải vì thương nghệ sĩ không mà mọi người đến mua rất đông. Ngay năm đầu tiên bán quần áo cưới, tiền lãi đã đủ tôi mua được một xe dream Thái. Sang đến năm thứ 2, không thuê được cửa hàng nữa, bạn bè lại rủ tôi đi buôn đất. Cho đến bây giờ, tôi sống được bằng nghề bất động sản. Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghề diễn. Nghề diễn với tôi là nghiệp, là sứ mệnh.

 - Ảnh 8.

NSND Hoàng Cúc và cố NSND Hoàng Dũng trong phim "Tướng về hưu".

- Nhiều năm công tác tại Đoàn kịch Hà Nội, bà có mối quan hệ thân thiết với NSND Hoàng Dũng, NSND Minh Hoà. Điều gì ở hai nghệ sĩ, hai người bạn này khiến bà ấn tượng nhất ?

Tôi và anh Hoàng Dũng có sự đồng điệu về cách nhìn, cách cảm trong tri thức, nghệ thuật và sáng tạo. Không phải chỉ là những bạn diễn ăn ý mà còn hơn cả thế, có thể gọi là tâm giao. Dù trên sân khấu hay màn ảnh, chúng tôi chỉ cần nhìn nhau là đủ hiểu, nắm bắt được tâm lý của nhau, đoạn nào cần khúc triết, đoạn nào cần nhường nhịn nhau để diễn, tung hứng, sáng tạo nhuần nhuyễn. Trong nghệ thuật biểu diễn điều đó rất cần thiết. Chính vì vậy, dù xem những vở kịch chúng tôi đóng, khán giả không có cảm giác bị cường điệu mà rất tự nhiên, mang hơi thở cuộc sống.

Còn với tôi, NSND Minh Hoà là một nghệ sĩ nắm bắt cảm xúc rất nhanh, đủ đầy. Đặc biệt là những năm tháng làm sân khấu, NSND Minh Hoà là người rất chỉn chu, từ nét khắc hoạ hoá trang hay ăn mặc, rất cẩn thận. Tôi quý NSND Minh Hoà ở đạo đức đấy, nhân cách của người nghệ sĩ rất cần như thế.

- Nhìn lại một thời hoàng kim trên sân khấu và điện ảnh, điều gì khiến bà nhớ nhất?

Kỷ niệm đáng nhớ có lẽ là những lúc trốn đoàn để đi đóng phim. Thời đó, ai mời là tôi đi đóng phim. Đến mức Đoàn trưởng Đoàn Kịch Hà Nội phải cho người ra canh ở cửa. Nếu thấy người của đoàn phim bên Thụy Khuê (Hãng Phim truyện Việt Nam) đến thì chắc chắn chỉ có tìm Hoàng Cúc. Chính vì chuyện này mà tôi từng bị kỷ luật, bởi dám ''ăn cây táo rào cây sung'' (cười).

Rồi có những lúc đọc kịch bản, phải vào những vai chính rất khó. Chưa già đã phải vào vai những bà lão 80 tuổi. Nhưng quan niệm đó là nghiệp diễn nên tôi vẫn hết mình.

Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ vẫn là tình cảm của khán giả. Hồi đó, tôi đi tới đâu, khán giả đều đi theo trò chuyện, xin chữ ký, tặng quà… Nghệ thuật là cầu nối kỳ diệu giữa nghệ sĩ và khán giả. Tôi may mắn khi được chứng kiến tình cảm chân thành mà khán giả dành mình. Việc được khán giả đón nhận và yêu mến là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại