Vốn dĩ, có hàng ngàn vệ tinh đã và đang quay quanh hành tinh xanh của chúng ta. Tuy nhiên, chúng phải đối mặt với một vấn đề quan trọng, đó là cạn kiệt nhiên liệu theo thời gian. Nếu không kiểm soát được, điều này thường làm vệ tinh phải ngừng hoạt động, ngay cả khi động cơ thiết bị vệ tinh đó vẫn còn hoạt động tốt.
Vì thế, để giải quyết vấn đề này, cần có công nghệ tiếp nhiên liệu vệ tinh trên quỹ đạo không gian để kéo dài thời gian hoạt động cho các vệ tinh. Mới đây, một sáng kiến của Viện nghiên cứu Southwest Research Institute (SwRI) ra đời, nhằm tiến tới chế tạo một chiếc tàu vũ trụ chuyên dụng, dùng để cung cấp dịch vụ tiếp nhiên liệu cho các vệ tinh trong không gian.
Giải pháp đổi mới này cũng là một phần của Dự án Nguyên mẫu di động và Hậu cần không gian (SML) trị giá 25,5 triệu USD, do Lực lượng Vũ trụ Mỹ tài trợ và do nhà thầu chính Astroscale US chủ trì.
Các nhà khoa học tại SwRI sẽ phát triển tàu vũ trụ tiếp nhiên liệu nguyên mẫu Astroscale (APS-R), nhằm mục đích tiếp nhiên liệu cho các phương tiện tương thích trên quỹ đạo không gian. Theo thông cáo báo chí, APS-R sẽ đi theo đường tròn phù hợp với chu kỳ quay của Trái đất. Nó sẽ vận chuyển chất đẩy nhiên liệu hydrazine từ nơi lưu trữ đến các vệ tinh cần tiếp nhiên liệu. Tàu vũ trụ này sẽ có thể cung cấp dịch vụ cho bất kỳ tàu vũ trụ hay vệ tinh nào, miễn là chúng được trang bị cổng tiếp nhiên liệu tương thích.
Trước mắt, SwRI đã đặt mục tiêu chế tạo tàu vũ trụ tiếp nhiên liệu nguyên mẫu Astroscale (APS-R) trong 16 tháng tới, và phương tiện này có thể sẵn sàng được phóng vào năm 2026.
Steve Thompson, kỹ sư hệ thống của dự án SwRI cho biết: “ Hết nhiên liệu là vấn đề phổ biến đối với tàu vũ trụ hay các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất. Khi chúng đã sử dụng hết nhiên liệu, nhiệm vụ của chúng cũng sẽ kết thúc - mặc dù chúng có thể ở trạng thái động cơ vẫn còn tốt nhất ”. Thompson còn nói thêm: “ Một phương tiện tiếp nhiên liệu như APS-R có thể giúp kéo dài các sứ mệnh đó, và chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ cho các tàu vũ trụ đã ở trên quỹ đạo Trái đất ”.