Mỹ nghi ngờ Nga còn thử hạt nhân, Duma tức giận

Cẩm Bình |

Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) tin rằng Nga có thể vẫn đang tiến hành thử hạt nhân mức độ thấp.

Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) – đàm phán vào những năm 1990 – nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhưng chưa có hiệu lực, vì có 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân chưa phê chuẩn (bao gồm Israel, Iran, Ai Cập, Mỹ).

Nga phê chuẩn hiệp ước vào năm 2000. Tuy nhiên tại một diễn đàn bàn về kiểm soát vũ khí của Viện nghiên cứu Hudson, Giám đốc DIA Robert P. Ashley lại xác định: “Mỹ tin rằng Nga có lẽ đã không tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn. Họ vẫn còn khả năng bố trí tiến hành thử hạt nhân mức thấp, vượt qua giới hạn 0 đặt ra trong CTBT”.

Phía Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về phát ngôn trên, nhưng tái cáo buộc Nga thường xuyên xem nhẹ nhiều nghĩa vụ quốc tế và vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Chính quyền Nga chưa lên tiếng phản ứng. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma (Hạ viện Nga) Vladimir Shamanov gọi đây là một tuyên bố thiếu trách nhiệm.

“Thử hạt nhân không thể được thực hiện bí mật. Những tuyên bố kiểu như vậy cho thấy tính chuyên nghiệp của quân đội đang giảm đi”, theo ông Shamanov.

Ông Lassina Zerbo – người đứng đầu cơ quan giám sát thực thi CTBT (CTBTO) – cũng nhận xét phát ngôn do tướng Ashley đưa ra có phần thái quá.

“Nga còn khả năng bố trí tiến hành thử hạt nhân không có nghĩa họ đang tiến hành thử. Chúng tôi tin tưởng không có bất kỳ vụ thử vì mục đích quân sự nào không bị phát hiện. Cho đến nay chúng tôi chẳng hề ghi nhận dấu hiệu nào, và sẽ tìm thêm bằng chứng”, ông Zerbo cho biết.

Vị Chủ tịch CTBTO nói thêm: “Các bạn không sẵn sàng phê chuẩn CTBT mà lại yêu cầu người khác tuân thủ. Bạn thấy hiệp ước quan trọng như vậy thì tại sao lại ngăn cản nó (có hiệu lực)?”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại