Theo trang Army Certification, các cuộc tấn công gần đây của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine đã được thực hiện bằng cách sử dụng một số lượng đáng kể tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.
Kinzhal là tên lửa cỡ lớn, nặng khoảng 4.300 kg, dài 7,2 m, đường kính 1,2 m và sải cánh 1,6 m. Nó có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân công suất thấp (từ 5 đến 50 kiloton) hoặc thuốc nổ thông thường có sức nổ cao.
Khả năng bay với tốc độ vượt quá Mach 10 và tầm xa 2.000 km của tên lửa khiến hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại gần như chẳng thể tiếp cận được. Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố nhiều trường hợp bắn hạ Kinzhal nhưng không cung cấp bằng chứng.
Đặc điểm chính của Kinzhal là tốc độ siêu thanh, khiến hệ thống phòng thủ có rất ít thời gian phản ứng và gây khó khăn trong việc dự đoán đường bay. Tên lửa hoạt động ở tầng khí quyển phía trên, nơi nhiều loại vũ khí không thể tiếp cận được.
Theo các chuyên gia quân sự, ngày nay không có hệ thống phòng không đáng tin cậy nào có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh tương tự Kinzhal.
Báo cáo cũng đề cập rằng nguồn cung cấp tên lửa Kinzhal ban đầu của Nga chỉ giới hạn ở khoảng 53 đơn vị. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2023, họ biết rằng Moskva đã sở hữu tới 80 tên lửa loại này. Mức sản xuất đã tăng từ 1 - 2 quả mỗi tháng lên khoảng 10 đơn vị, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng hệ thống phòng không Patriot được Mỹ cung cấp cho Kyiv tỏ ra không hiệu quả trước tên lửa hành trình Kh-32 của Nga. Điều này đã được nhà báo Đức Guido Schmidtke nêu trên kênh Welt TV.
Ông Schmidtke nhấn mạnh, tốc độ cao của tên lửa Kh-32, đạt khoảng 5.400 km/h, khiến chúng trở nên bất khả xâm phạm trước các hệ thống phòng không Ukraine.
Điều này cho thấy Nga có tên lửa hiện đại, đủ khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng không phương Tây. Ngoài ra tên lửa Kh-32 còn có những đặc điểm độc đáo: Không thể bị gây nhiễu hoặc chệch hướng bởi tác chiến điện tử (EW) và chúng còn có thể phát hiện và xác định mục tiêu một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh mối đe dọa gia tăng, các quốc gia NATO thuộc châu Âu đã quyết định mua 1.000 tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot để tăng cường khả năng phòng thủ. Nhật Bản cũng dỡ bỏ hạn chế trước đây đối với xuất khẩu vũ khí, bao gồm cả đạn dược cho tổ hợp Patriot.
Sự gia tăng các cuộc tấn công tên lửa vào những mục tiêu trên đất Ukraine đã khiến NATO phải xem xét khả năng cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Kyiv.
Tuy nhiên sản lượng tên lửa cho tổ hợp Patriot chỉ vào khoảng 500 đơn vị mỗi năm, điều này không đủ để đáp ứng cuộc chiến đang diễn ra, bởi vì Nga có thể sử dụng tới 100 tên lửa siêu thanh cho một cuộc tập kích lớn.
Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal là mục tiêu rất khó bị bắn hạ.