Mỹ - Nga - Trung và 10 nước bắt tay xây mạng lưới vệ tinh bảo vệ Trái đất

Gia Minh |

Các nhà khoa học vũ trụ Mỹ, Nga, Trung Quốc và 10 quốc gia khác đã cùng nhau hợp tác phát triển 3 mạng lưới vệ tinh để nghiên cứu các mối đe dọa lớn đối với Trái đất.

Đến nay, nhiều trạm không gian chỉ là một điểm duy nhất để quan sát - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Đến nay, nhiều trạm không gian chỉ là một điểm duy nhất để quan sát - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo báo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu đưa 3 mạng lưới vệ tinh vào quỹ đạo. Các vệ tinh này sẽ thu thập và chia sẻ dữ liệu toàn cầu về các mối đe dọa lớn đến Trái đất, từ biến đổi khí hậu đến bức xạ vũ trụ.

Giáo sư Daniel Baker tại Đại học Colorado - Boulder ở Mỹ cho biết không quốc gia nào có thể hoặc nên đi một mình trước những vấn đề liên quan đến Trái đất như vậy.

Tham gia dự án này còn có các nhà khoa học từ Nhật Bản, Brazil, Phần Lan, Anh, Ai Cập, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Israel và Ấn Độ.

"Tôi rất vui vì chúng ta không chỉ tiến hành khoa học cơ bản mà còn giải quyết các vấn đề có hậu quả thực sự đối với con người", ông Baker nói.

Dẫn đầu nỗ lực hợp tác quốc tế này, giáo sư Baker cho biết ông dự kiến ​​một số vệ tinh sẽ đi vào quỹ đạo vào năm 2025.

Các vệ tinh sẽ được nhóm lại thành 3 mạng lưới để cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn tổng thể hơn về các mối đe dọa Trái đất. Các nhà khoa học có thể kết hợp dữ liệu từ nhiều tàu vũ trụ cùng một lúc thay vì dựa vào các quan sát đơn lẻ của các sứ mệnh trong quá khứ.

Giáo sư Baker chia sẻ cách tiếp cận trước đây dẫn đến sự không chắc chắn và mơ hồ: Liệu những thứ chúng ta đo lường tại một điểm cụ thể có đại diện cho các đặc điểm của toàn bộ hệ thống hay không?

Dự án được thực hiện nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh nhỏ và thấp. Mỗi vệ tinh chỉ nặng khoảng vài ký, và có hai hoặc ba thiết bị trên tàu. Chúng sẽ là một thiết kế đơn giản để đảm bảo dễ xây dựng và sử dụng để xử lý dữ liệu.

Giáo sư Baker nhấn mạnh các vệ tinh nhỏ sẽ không chỉ cách mạng hóa cách thức tiến hành khoa học vũ trụ đối với các quốc gia có nền khoa học lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga. Bên cạnh đó còn mở rộng năng lực cho các nước mới nổi ở các khu vực như Nam Mỹ và châu Phi.

Dự án được Ủy ban Nghiên cứu không gian (Cospar) ở thủ đô Paris tổ chức. Đây là một tổ chức được thành lập vào năm 1958 và mở cửa cho tất cả các quốc gia.

Ông Wu Ji, một nhà khoa học vũ trụ cấp cao tại Bắc Kinh và là thành viên của nhóm đặc nhiệm Cospar của dự án, cho biết: "Cospar cung cấp một nền tảng trung lập để các quốc gia làm việc cùng nhau trong các tình huống địa chính trị khó khăn".

Ông Wu đứng đầu việc phát triển một nhóm vệ tinh nghiên cứu các vùng bức xạ được gọi là vành đai Van Allen, chứa các hạt năng lượng. Đây là mối nguy hiểm đối với tàu vũ trụ và phi hành gia hoạt động trên bầu khí quyển của Trái đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại