Trước đó, nhiều người tỏ ra thắc mắc về việc Nga gửi tặng hay bán 60 tấn vật dụng y tế gồm máy thở, khẩu trang, mặt nạ phòng độc cho Mỹ sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Vladimir Putin.
Khi được hỏi về lô hàng này trong cuộc họp báo với Nhà Trắng, ông Trump nói ông rất vui khi nhận được nó. "Tôi không lo ngại chút nào về vấn đề tuyên truyền của Nga. Ông Putin cung cấp rất nhiều vật dụng y tế cao cấp có thể cứu sống nhiều mạng người. Tôi sẽ nhận hàng mỗi ngày" - trích lời tổng thống Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga nói Washington chỉ phải trả một nửa số tiền cho lô hàng trên, phần còn lại do Nga lo liệu. Tuy nhiên, vào ngày 2-4, một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên lại nói với hãng tin Reuters rằng toàn bộ tiền hàng đều do Mỹ chi trả.
"Mỹ đang mua thiết bị và vật tư từ các quốc gia khác. Chúng tôi rất cảm kích khi Nga bán cho chúng tôi rẻ hơn giá thị trường" - trích lời quan chức trên. Tuy nhiên, người này không tiết lộ giá trị chính xác. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không cung cấp thêm thông tin nào.
Chiếc máy bay hạ cánh tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ngày 1-4. Các thiết bị trên đều được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra để đảm bảo chúng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Mỹ.
Bang New York, tâm dịch của Mỹ, đang gặp khó khăn trong việc điều trị và chôn cất người bệnh. Thống đốc bang còn dự đoán rằng không bao lâu nữa phần còn lại của Mỹ cũng sẽ rơi vào tình cảnh khốn khổ trên.
Các nhà phê bình tỏ ra tức giận với Tổng thống Putin về lô hàng gửi đến Mỹ. Họ cho rằng Nga cũng đang thiếu hụt các thiết bị trên. Nga có tổng cộng 3.548 ca nhiễm Covid-19 và 30 người chết.
Khẩu trang tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Vào ngày 2-4, Tổng thống Putin đã kéo dài thời gian cho người dân nghỉ việc có lương đến ngày 30-4 để giảm bớt các tiếp xúc cá nhân, một tuần sau khi Điện Kremlin thông báo nước Nga không có dịch.
Trong một diễn biến khác, dù các chính trị gia Mỹ từng chỉ trích cách xử lý của Bắc Kinh trong việc khống chế dịch Covid-19, họ đang phải đối mặt với sự thật phũ phàng rằng Mỹ rất cần nguồn cung thiết bị y tế của Trung Quốc.
Cụ thể, theo số liệu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ nhập khẩu gần một nửa thiết bị bảo vệ y tế cá nhân, gồm khẩu trang, kính và găng tay, từ Trung Quốc.
Hồi tháng 2, khi nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của việc đóng cửa các cơ sở quan trọng tại Trung Quốc do dịch Covid-19, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng tình trạng bùng phát dịch là "lời cảnh tỉnh" cho Mỹ để giảm bớt sự phụ thuộc về dược phẩm và nguồn cung y tế từ Trung Quốc và các nước khác.
Giờ đây, dịch bệnh lây lan quá nhanh tại Mỹ kéo theo tình trạng thiếu thốn thiết vật tư y tế đã khiến vấn đề trên trở nên cấp bách theo cách khác. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo gọi đây là "cú bẻ lái nghiệt ngã của số phận" khi Trung Quốc lại trở thành nhà sản xuất máy thở chính cho các nước đang cố kiểm soát dịch Covid-19.
Các nhà sản xuất Mỹ đã bắt đầu hành động, ví dụ như tập đoàn 3M và Honeywell đang tăng cường sản lượng khẩu trang lên 70 triệu chiếc/tháng nhưng con số này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đang tìm mua 500 triệu khẩu trang làm kho dự trữ chiến dịch.