Mỹ, NATO bán vũ khí cho Ukraine: Tia lửa kích hoạt cuộc chiến mới với Nga?

Trung Hiếu |

Mỹ và đồng minh NATO đang bận rộn vũ trang cho Ukraine và tham gia các hoạt động khác khiến ban lãnh đạo Kiev dễ tin rằng họ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây.

Binh sĩ và vũ khí của Ukraine. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ và vũ khí của Ukraine. Ảnh: Reuters.

Tình hình nóng lên từ cả 2 phía khi Mỹ bán vũ khí cho Ukraine

Xung đột giữa chính quyền Ukraine và các lực lượng ly khai ở Donbass đã âm ỉ trong các năm gần đây nhờ vào thỏa thuận Minsk mong manh. Nhưng giờ đây, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, xung đột này đang nóng lên. Diễn biến đó đang thổi bùng thêm căng thẳng đầy nguy hiểm giữa Kiev và Moscow. Người ta ngày càng đồn đoán về khả năng Nga có thể đưa quân vào Ukraine .

Giới lãnh đạo phương Tây đang theo đuổi một chiến lược khá mạo hiểm, khiến họ vấp phải những cảnh báo ngày càng gai góc từ các quan chức điện Kremlin.

Có 2 dịp kể từ đầu tháng 4/2021, Nga thực hiện triển khai quân đội rầm rộ gần biên giới với Ukraine. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công bố bán lô vũ khí mới trị giá tổng cộng là 125 triệu USD cho Ukraine. Mặc dù giao dịch này tạm hoãn vào tháng 6, số vũ khí trị giá 60 triệu USD trong gói này đã được giao cho khách hàng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Kiev vào tháng 10/2021.

Mỹ không phải là nước thành viên NATO duy nhất bán vũ khí cho Ukraine khiến tình hình khu vực này trở nên căng thẳng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trang bị cho quân đội Ukraine các máy bay không người lái (drone/UAV). Và vào cuối tháng 10 vừa qua, các lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV tiêu diệt các pháo đội của phiến quân ở Donbass. Trước tình hình leo thang này, Nga đã gửi tới Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ những lời phản đối mạnh mẽ. Sau đó Nga đã có một đợt triển khai lực lượng mới tới gần biên giới với Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi ấy đã bày tỏ quan ngại Nga có thể triển khai một chiến dịch quân sự tương tự như vào năm 2014, khi chính quyền của Tổng thống Nga Putin sáp nhập Crimea và hậu thuẫn quân sự cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Bán vũ khí chỉ là một thành tố trong sự ủng hộ ngày càng gia tăng mà Mỹ và một số đồng minh NATO dành cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần bày tỏ cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Quân Mỹ và Ukraine đã thực hiện tập trận chung vào vài dịp và các lực lượng Ukraine có mặt trong các cuộc tập trận của NATO. Thực tế, Ukraine đã đăng cai tổ chức phiên bản mới nhất của các cuộc tập trận vào tháng 9/2021. Đáp lại các áp lực của Washington, Kiev đang được đối xử như một thành viên của NATO.

Trong khi đó, các lãnh đạo của Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, đã có những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa về việc lấy lại Crimea và đè bẹp các phần tử ly khai ở Donbass. Chiến lược quốc phòng chính thức của Ukraine được thông qua vào tháng 3/2021 đã công khai rõ các mục tiêu này.

Bài học nhãn tiền từ Gruzia và rủi ro hiện nay cho Ukraine

Các lực lượng quân sự của Ukraine không phải là đối thủ của quân đội Nga về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, việc quá tin vào sự ủng hộ của Mỹ và NATO có thể khiến giới lãnh đạo Ukraine thực hiện những bước đi mạo hiểm không cần thiết. Một lần trước đây, Mỹ đã khiến 1 nước ở vùng Kavkaz háo hức tin rằng họ có được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Kết quả là nước đó đã bị bầm dập sau khi bước vào một cuộc chiến không cần thiết.

Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush khuyến khích Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili tin rằng nước ông ta là một đồng minh quan trọng của Mỹ và rằng cả Mỹ lẫn NATO sẽ cứu Gruzia nếu họ rơi sâu vào một cuộc xung đột với Nga . Washington đã cung cấp cho Tbilisi hàng triệu USD dưới dạng vũ khí. Mỹ thậm chí còn huấn luyện các binh sĩ Gruzia. Tổng thống Bush cũng ép các đồng minh trong NATO trao cho Gruzia tư cách thành viên trong khối quân sự này, dù rằng nỗ lực này cuối cùng đã thất bại.

Vào tháng 8/2008, Tổng thống Saakashvili mở 1 cuộc tiến công quân sự nhằm giành lại vùng Nam Ossetia (1 trong 2 khu vực ly khai tại đây). Cuộc tiến công đó đã gây thương vong cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga triển khai ở đó từ đầu thập niên 1990. Moscow đã phản ứng lại bằng một cuộc phản công quy mô lớn, kéo theo việc chiếm giữ được một số thành phố của Gruzia và đưa quân Nga tới ngoại ô thủ đô Gruzia. Dù Washington trước đó đã hứa hẹn nhiều điều, Tổng thống Saakashvili khi này nhận ra rằng Mỹ không sẵn lòng chiến đấu trên danh nghĩa của Gruzia và ông buộc phải ký một hòa ước với các điều khoản có lợi cho Nga.

Tình hình ở Gruzia mang nhiều nét tương đồng với ở Ukraine. Có vẻ như Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ấy hiểu được nguy cơ khiêu khích Nga và kích hoạt xung đột vũ trang khi bán vũ khí cho Ukraine, nên ông đã từ chối chuyển giao vũ khí cho Kiev, dù rằng quốc hội Mỹ cho phép điều đó.

Thế nhưng các chính quyền kế nhiệm ở Mỹ vẫn thực hiện nhiều đợt bán vũ khí cho Ukraine. Vào các năm 2017 và 2019, các gói vũ khí đó bao gồm các tên lửa chống tăng Javelin hiện đại, bất chấp sự cực lực phản đối của Nga. Các trường hợp bán vũ khí hào phóng như thế vẫn tiếp tục dưới thời Tổng thống Mỹ Biden.

Có lẽ Mỹ và các nước đồng minh NATO nên thoái lui khỏi các chính sách ngày càng nguy hiểm như trên. Kremlin đã nêu rõ nhiều lần rằng Ukraine là một mối quan tâm an ninh cốt lõi của Nga, và các nỗ lực nhằm biến nước này thành một đồng minh quân sự của phương Tây là vượt quá ranh giới đỏ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại