Mỹ muốn rút, số phận Syria trao cho Nga-Thổ-Iran: Rạn nứt "bộ ba" âm ỉ chờ ngày bùng phát

Ngọc Nguyễn |

Hôm 4/4, lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức hội đàm tại Ankara về việc chấm dứt chiến tranh tại Syria, củng cố sự ảnh hưởng của bộ ba tại quốc gia Trung Đông chiến lược này.

Ba vị tổng thống - Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Hassan Rouhani của Iran và Vladimir Putin của Nga - tiếp tục đưa ra các cam kết hợp tác về tái thiết và viện trợ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria, ngay cả khi cả ba quốc gia vẫn duy trì một sự hiện diện quân sự tại đây. Các nhà lãnh đạo kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế và nhấn mạnh sự phản đối của họ đối với "kế hoạch ly khai" ở Syria.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho quân đội nước này chuẩn bị rút lực lượng khỏi Syria. Ông không đưa ra thời hạn rút quân chính thức và vẫn nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ có thể tiếp tục đào tạo các lực lượng địa phương đang kiểm soát những khu vực được giải phóng từ tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nếu kế hoạch của ông Trump diễn ra, việc Mỹ rút quân sẽ để lại một khoảng trống quyền lực tại Syria, khiến cho cuộc tranh giành ảnh hưởng và địa bàn tại quốc gia này trở nên quyết liệt hơn. Quyết định này sẽ càng làm tăng sức mạnh cho Iran và Nga, những quốc gia đối thủ của Mỹ và đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Điểm nổi bật nhất trong cuộc chiến kéo dài 7 năm này có lẽ là mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, hai đồng minh trong NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ vi phạm các quy ước với đồng minh khi hợp tác cùng tổ chức Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria - lực lượng bị Ankara coi là khủng bố. Mỹ cũng chống lại việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tấn công thành phố Manbij ở miền Bắc Syria - nơi quân Mỹ cùng người Kurd đã quét sạch IS trước đó.

Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với Nga, bao gồm cả việc mời tổng thống Putin tham dự nhiều hội đàm trước cuộc họp thượng đỉnh ba bên hôm 4/4. Mặc dù có nhiều xung khắc với chính quyền Erdogan, các đồng minh Phương Tây cảm thấy lo ngại trước việc Ankara hướng về phía Nga trong thời gian gần đây. Quyết định tổ chức thượng đỉnh ba bên của tổng thống Erdogan, trong đó khách mời hiện là đối thủ của Mỹ giữa khủng hoảng ngoại giao về vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh, càng khiến cho mối lo ngại đẩy lên cao hơn.

"Việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria, cũng như những hành động liều lĩnh và bất cẩn của chính quyền tổng thống Trump như việc không quan tâm quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ, phá hỏng các kênh liên lạc với phía Nga- sẽ càng củng cố quyền lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ", trích lời ông Ahmed al-Borai, biên tập viên của TRT World - kênh tiếng Anh của đài phát thanh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ không rút quân sớm khỏi Syria

Dù vậy, cuộc hội đàm thượng đỉnh tại Ankara vừa qua cũng không xóa nhòa những bất đồng giữa 3 nước trên chiến trường. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một đối thủ của tổng thống Assad và luôn hỗ trợ các phiến quân chống lại chính phủ Syria. Tuy nhiên, phe ủng hộ ông Assad, không lực Nga vẫn yểm trợ quân chính phủ Syria đập tan các cuộc nổi dậy và duy trì sự hiện diện tại Syria. Iran luôn phản đối các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

"Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thực sự căng thẳng", một nhà ngoại giao phương Tây yêu cầu giấu tên chia sẻ, "Tổng thống Syria Assad có lẽ là một cá nhân quan trọng nhất trong việc dự đoán về sức mạnh của Iran ở Syria và thế giới bên ngoài. Tôi không nghĩ rằng ai đó sẽ muốn chứng kiến những cải cách chính trị gây nguy hiểm cho vị thế hoặc làm suy yếu khả năng cầm quyền của ông Assad".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại