Theo đó Washington sẽ tăng cường hoặc bãi bỏ các thỏa thuận quốc tế khi họ thấy phù hợp để ngăn chặn các thế lực như Nga, Trung Quốc và Iran đạt được lợi ích.
Trong một tuyên bố làm rõ thêm chính sách "Ưu tiên nước Mỹ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói, ông Trump không từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ mà thay vào đó, muốn tái định hình hệ thống sau Thế chiến thứ hai trên nền tảng các quốc gia có chủ quyền chứ không phải là các tổ chức đa phương.
Ông Pompeo nói với các nhà ngoại giao và quan chức trong một bài phát biểu chính sách đối ngoại rằng, "Theo những truyền thống tốt đẹp nhất của nền dân chủ vĩ đại của chúng tôi, chúng tôi đang tập hợp các quốc gia cao quý để xây dựng một trật tự tự do mới ngăn cản chiến tranh và đạt được sự thịnh vượng hơn".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói về chiến lược đối ngoại toàn cầu của Washington. (Nguồn: Reuters)
Ông Pompeo nói, "Chúng tôi đang hành động để bảo tồn, bảo vệ và thúc đẩy một thế giới tự do, cởi mở, minh bạch và công bằng của những quốc gia có chủ quyền". Quan chức này cũng lên tiếng chỉ trích nhiều thỏa thuận thương mại và việc Trung Quốc được hưởng lợi từ hệ thống thương mại do Mỹ dẫn đầu.
"Chốt hạ" về Ưu tiên nước Mỹ
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết, tuyên bố của ông Pompeo "không phù hợp với tinh thần" của cuộc họp chỉ vài ngày trước đó giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.
"Tôi không biết mục đích của ai đó khi hoan nghênh sự kiện trên và lúc này lại nói những điều như vậy", ông Geng nói, đề cập đến nhiều thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hoan nghênh những kết quả đạt được của ông Trump và Chủ tịch Tập khi họ đồng ý ngừng chiến tranh thương mại tại Argentina.
Ông Geng Shuang nói rằng, trong khi Hoa Kỳ giương cao ngọn cờ nước Mỹ đầu tiên, thì họ lại sử dụng những biện pháp của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, còn Trung Quốc là một bên đóng góp quan trọng cho chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và phát triển kinh tế toàn cầu.
Pompeo, một cựu sĩ quan quân đội, người được coi là có chung quan điểm cứng rắn về ngoại giao với ông Trump, cho biết, ông Trump cũng đang thúc đẩy cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế ngăn chặn việc tài trợ cho các nước như Trung Quốc, nói rằng họ đã tiếp cận được với nhiều thị trường tài chính để thu hút vốn.
Bài phát biểu của ông Pompeo, được đáp lại bằng các tràng pháo tay lịch sự, đã bác bỏ mối quan ngại từ nhiều đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ rằng ông Trump đang làm xói mòn liên minh phương Tây bằng cách rút khỏi các hiệp định về khí hậu, tự do thương mại và kiểm soát vũ khí.
Ông Pompeo cho biết những lời chỉ trích như vậy là "sai lầm" và nói rằng, Tổng thống Trump đang cải cách trật tự tự do chứ không phá hủy nó. Ông trích dẫn quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU cho thấy một tổ chức theo mô hình siêu quốc gia đã không hiệu quả.
Ông cũng đã chỉ trích "sự quan liêu" là nguyên nhân chịu trách nhiệm trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương "như một kết thúc cho chính nó" và dấy lên nghi ngờ về cam kết của EU cho công dân của mình.
Nhận định này đã dấy lên sự phản bác – được cho là hiếm hoi từ Ủy ban châu Âu EC, cơ quan điều hành của khối.
Khi được yêu cầu trả lời về các phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn chính của EC Margaritis Schinas đã đưa ra lời giải thích về cách thức mà cơ quan điều hành EU chịu sự kiểm soát của công dân thông qua Nghị viện châu Âu được bầu trực tiếp và chính phủ các nước thành viên.
"Vì vậy, đối với những người đến Brussels và tung ra một ý kiến mà không biết làm thế nào hệ thống của chúng tôi hoạt động, thì đây là cách hệ thống của chúng tôi hoạt động. Và đó là câu trả lời của chúng tôi", người phát ngôn Margaritis Schinas nói.
Cơ hội nào cho hiệp ước hạt nhân
Bài phát biểu của ông Pompeo đánh dấu nỗ lực mới nhất của một quan chức trong chính quyền Trump trong việc đưa các quyết định của tổng thống vào một kế hoạch chính sách chặt chẽ, sau các chuyến thăm của Phó Tổng thống và các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ đến Brussels.
Các nhà lãnh đạo châu Âu gặp khó khăn trước những tuyên bố cứng rắn của ông Trump và nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ rút nước này ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran đang làm suy yếu các ưu tiên của châu Âu.
Liên quan đến các chính sách của ông Trump trong một bài phát biểu hôm thứ Hai tại Cambridge, Massachusetts, quan chức hàng đầu châu Âu về chính sách đối ngoại Federica Mogherini cảnh báo về việc "luật rừng" đang thay thế cho quy định của pháp luật.
Ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ đã hành động chính xác.
"Chính quyền của chúng tôi là ... hợp pháp rút khỏi hoặc tiến hành thương lượng lại các hiệp ước đã lỗi thời hoặc không có lợi, các hiệp định thương mại và các thỏa thuận quốc tế khác không phục vụ quyền lợi chủ quyền của chúng tôi, hoặc lợi ích của các đồng minh của chúng tôi".
Ngày 4/12, Mỹ cũng đã ra một tuyên bố với Nga rằng, Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF ký năm 1987, nếu chính quyền Moscow không tuân thủ thỏa thuận này một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng trong vòng 60 ngày.
Các đồng minh châu Âu trong liên minh NATO đã thúc giục ông Trump không đi theo tiến trình rút khỏi INF, mà thay vào đó làm việc với Moscow để đưa Nga quay lại tuân thủ hiệp ước. Còn phía Nga đã hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc này.
Thế giới đang lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang sẽ leo thang nếu như di sản có giá trị từ thời Chiến tranh Lạnh này sụp đổ.