Muốn giành chiến thắng trong các cuộc tranh chấp thì ngoài thực lực còn phải dùng đến mưu kế, người ta thường nghe đến “mỹ nhân kế”, “không thành kế”… mà ít được biết đến “mỹ mã kế”. Đây là kế sách hiếm thấy trong lịch sử, nhưng khi áp dụng lại thu được hiệu quả không ngờ và “mỹ mã kế” gắn với câu chuyện về hai danh tướng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Lý Mục dùng kế đoạt ngựa quân Hung Nô
Sử sách đánh giá Lý Mục (khoảng 290 – 229 TCN) là một nhà quân sự tài ba, cùng với Bạch Khởi, Vương Tiễn, Liêm Pha là bốn danh tướng xuất sắc bậc nhất thời Chiến Quốc.
Ông không đơn thuần chỉ là một nhà quân sự tài ba mà còn là một nhà chính trị có tư tưởng đi trước thời đại, người đã giúp cho nước Triệu lớn mạnh trở thành nước duy nhất đủ sức chống lại nước Tần đang nổi lên.
Tranh vẽ Lý Mục (Hình minh họa- Nguồn: Wikipedia)
Tuy nhiên công trạng lớn nhất của Lý Mục là những chiến tích trước quân Hung Nô, một thế lực ở phía Bắc thường xuyên quấy rối, uy hiếp Trung nguyên và với lãnh thổ kề cập, nước Triệu đã nhiều lần bại trận trước Hung Nô.
Để dập tắt nguy cơ này, vua Triệu đã phái Lý Mục đem quân bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông trấn giữ tại Nhạn Môn quan thuộc quận Đại (ngày nay là vùng đông bắc, tỉnh Sơn Tây) để chặn quân Hung Nô tràn xuống phía nam.
Để có thể chống nhau lâu dài với quân Hung Nô, Lý Mục chuẩn bị các phương án chiến đấu, tổ chức lại quân đội, thường xuyên thao diễn, lại khuyến khích sản xuất, thu thuế trong vùng cai quản để làm nguồn cung cấp tiền bạc, lương thực cho quân đội.
Quân sĩ được hậu đãi, tinh thần chiến đấu ngày càng tăng nhưng Lý Mục vẫn chủ trương bảo toàn lực lượng, kiềm chế địch nên đã ra lệnh: "Dù quân Hung Nô tới, cũng phải mau chóng lùa gia súc về rồi nghe theo lệnh chỉ huy. Nếu ai dám cả gan xuất kích hay đi bắt quân địch, sẽ chém đầu không tha". Tuy nhiên ông đã bí mật tung gián điệp để theo dõi tình hình quân địch.
Tắm ngựa (Dục mã đồ )- tranh đời Nguyên (Hình minh họa – Nguồn: vietsciences.free.fr)
Đến năm Triệu Lý Thành vương thứ 21 (năm 245 TCN), nhận thấy việc chuẩn bị đã xong xuôi, cơ hội đánh diệt Hung Nô đã tới, Lý Mục quyết định thực hiện tác chiến. Biết rằng quân Hung Nô có sở trường về kị binh nên ông cho rằng trước tiên phải làm giảm sức mạnh này của đối phương.
Tại Nhạn Môn quan, Lý Mục quan sát thấy Hung Nô có bầy ngựa hàng trăm con, những ngày nóng nực quân lính thường lùa ngựa ra sông tắm, ông bỗng nảy ra một kế, bèn cười nói với bộ hạ: "Hung Nô thường cướp gia súc của dân chúng, bây giờ đến phiên phải trả lại!".
Thế rồi ông hạ lệnh cho dẫn hàng trăm con ngựa cái ra bờ sông hóng mát, tiếng hí vang trời, làm cho bầy ngựa đực bên phía quân Hung Nô ào xuống sông lội thẳng sang bên này, binh lính của Lý Mục cứ thế mà lùa hết vào thành. Tướng Hung Nô nghe tin nổi giận vội cho quân đuổi sang, lại bị mai phục của quân Triệu tấn công, ngựa mất mà người cũng bị giết theo vô số.
Kế sách này của Lý Mục sau này được gọi là "mỹ mã kế" (kế dùng ngựa cái đẹp).
Sau khi làm thiệt hại số lượng đáng kể chiến mã của quân Hung Nô, Lý Mục bắt đầu giao chiến với đối phương nhưng ông dùng kế giả thua để dụ định, liền năm trận quân Triệu đều cố tình bại trận vứt binh khí, bỏ lại rất nhiều gia súc và những đồ hậu cần.
Thiền vu Hung Nô chủ quan trở nên khinh địch, tưởng Lý Mục khiếp sợ bèn dẫn đại quân tiến đánh không ngờ mắc bẫy bị Lý Mục tập kích hai cánh đánh úp quân Hung Nô. Với quân số 15 vạn lính và cung thủ, 1.300 chiến xa cùng 13.000 chiến mã, quân Triệu đã đè bẹp hàng chục vạn quân Hung Nô, lại thừa thắng truy kích khiến Thiền vu Hung Nô phải trốn vào rừng.
Trận chiến này dường như đã hủy diệt hoàn toàn chủ lực quân Hung Nô, phải mất vài năm mới khôi phục được nên nhiều năm sau đó, quân Hung Nô không dám xâm phạm biên giới nước Triệu; tiếng tăm của Lý Mục càng trở nên lẫy lừng.
Truy kích tàn quân Hung Nô (Hình minh họa – Nguồn: spiderum.com)
Sau này, vào năm 243 TCN Lý Mục còn giúp nước Triệu đánh nước Yên đoạt lại những vùng đất bị xâm chiếm, đến năm 235 TCN đánh bại quân Tần tại trận Vu Phì, được phong tước Vũ An Quân. Năm 232 TCN, quân Tần chia thành 2 ngả tiến đánh nước Triệu nhưng một lần nữa bị Lý Mục đánh bại.
Đến năm 229 TCN nhân khi nước Triệu bị thiên tai nên mất mùa, 10 vạn quân Tần chia thành 3 đường tiến đánh nước Triệu, trong đó một cánh quân do danh tướng Vương Tiễn làm thống soái.
Vua Triệu U Mục Vương lúc đầu phong Lý Mục làm đại tướng quân chỉ huy chống giặc, nhưng sau lại nghe lời li gián của Quách Khai nên đã cách chức và xử tử Lý Mục, điều này đã tạo thuận lợi cho quân Tần.
Không lâu sau, quân Tần chiếm được Hàm Đàn, bắt sống Triệu U Mục Vương; lúc đó công tử Triệu Hỷ chạy thoát được trốn đến đất Đại, tự lập thành vương. Năm 222 TCN, quân Tần tấn công Đại, bắt sống Triệu Hỷ; đến đây nước Triệu diệt vong.
Còn tiếp...