Vật tư y tế thiếu hụt ảnh hưởng tiến độ xét nghiệm
Xét nghiệm kiểm dịch trên quy mô lớn là vấn đề nan giải mà Mỹ đang phải đối mặt do thiếu hụt vật tư y tế. Các nhà dịch tễ học và quan chức y tế cộng đồng lo ngại việc không thể xác định quy mô thực sự của dịch bệnh sẽ gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát dịch.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết Mỹ hiện có hơn 1.300 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều lần, chỉ là chưa đủ xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra các bệnh nhân này mà thôi.
Hôm 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "Bất cứ công dân nào muốn xét nghiệm COVID-19 sẽ đều được đáp ứng."
Tuy nhiên, sau một tuần, tốc độ xét nghiệm cho người dân nước này vẫn khá chậm chạp do đối mặt với nhiều rào cản pháp lý, thủ tục hậu cần rườm rà và thách thức về kỹ thuật.
Các nhân viên trong trang phục bảo hộ chuẩn bị làm nhiệm vụ khử trùng tại Trung tâm Life Care ở Kirkland, bang Washington - một trong số trung tâm bùng phát dịch COVID-19 ở Mỹ, ngày 11/3/2020 (Ảnh: REUTERS/Jason Redmond)
Hai đơn vị tư nhân cung cấp nhiều phòng thí nghiệm thương mại – Laboratory Corporation of America Holdings và Quest Diagnostics Inc – cho biết họ có khả năng thực hiện hàng ngàn xét nghiệm mỗi ngày. Các doanh nghiệp này cũng cho hay họ đã tiến hành xét nghiệm cho các cá nhân mắc bệnh hô hấp do virus corona.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ, bác sĩ và người bệnh đều cho rằng tình trạng khan hiếm xét nghiệm vẫn còn tồn tại ở Mỹ.
Reuters dẫn tin một bệnh nhân dương tính với COVID-19 từng đến phòng khám tư ở California để xét nghiệm. Cô này được thông báo rằng nếu mẫu xét nghiệm được gửi qua Quest Diagnostics Inc thì sẽ mất vài tuần mới có kết quả. Trong khi đó, tiến hành xét nghiệm ở các cơ sở y tế công thì chỉ mất 1-3 ngày.
Người phát ngôn của LabCorp, Pattie Kushner, cho biết công ty này đang làm việc bảy ngày một tuần, ba ca một ngày để nhanh chóng "bổ sung thêm thiết bị và nguồn nhân lực" nhằm nâng công suất xét nghiệm COVID-19. Tuy vậy, thường mất 3-4 ngày để cho kết quả, chưa kể thời gian thu thập, xử lý thông tin.
Công ty Quest cũng đưa ra khoảng thời gian tương tự để chẩn đoán COVID-19 - kết quả có trong vòng 3-4 ngày kể từ thời điểm lấy mẫu nhưng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu tăng cao.
"Hệ thống xét nghiệm này không đáp ứng những gì chúng ta đang cần. Đó là một sự thất bại. Hãy thừa nhận điều này," tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp hôm 12/3. "Các quốc gia khác có thể được xét nghiệm dễ dàng, nhanh chóng còn chúng tôi thì không."
Rào cản thủ tục hành chính rườm rà
Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết hôm 12/3 tuyên bố thành phố này có thể sử dụng các xét nghiệm tự động theo số lượng lớn của riêng mình mà không cần đăng ký lên liên bang nếu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không nhanh chóng chấp thuận.
"Đã có nhiều cuộc thảo luận về việc các địa phương tự xử lý vấn đề xét nghiệm kiểm dịch. Tôi tin điều này sẽ xảy ra nếu chúng tôi không được liên bang chấp thuận." Ông De Blasio khẳng định.
Nhiều nhà sản xuất, bao gồm Thermo Fisher Sientific Inc, đang đàm phán với các cơ quan quản lý để có được phê duyệt tiến hành làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 với công suất cao, giám đốc điều hành đơn vị này cho biết.
Nhưng phát ngôn viên Sở Y tế Thành phố New York Stephanie Buhle nói rằng các chính sách của FDA không cho phép doanh nghiệp tiến hành xét nghiệm tự động COVID-19 trên quy mô lớn mà thiếu sự phê duyệt của cơ quan quản lý. Những chính sách này đang hạn chế khả năng kiểm dịch của thành phố.
FDA hiện vẫn chưa phản hồi lại các tuyên bố từ Thị trưởng và Sở Y tế Thành phố New York.
Theo Hiệp hội các Phòng Thí nghiệm Y tế công cộng, hiện có 81 phòng thí nghiệm tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên 50 tiểu bang.
Bác sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, cho biết chính các bác sĩ cũng bị hạn chế trong việc đặt hàng tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Cụ thể, nếu bệnh viện muốn gửi mẫu xét nghiệm tới các phòng thí nghiệm tư nhân như Quest hay LabCorp thì cần thông qua rất nhiều thủ tục giấy tờ rườm rà.
"Có nhiều điều bất cập và điều chúng tôi thật sự cần là các bác sĩ có sẵn và đủ bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19," Adalja - cũng là một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins - cho biết.
Trong một diễn biến mới nhất, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho xét nghiệm virus corona do một đơn vị của Thuỵ Sĩ Roche (ROG.S) cung cấp.
Đơn vị này có thể cho kết quả xét nghiệm COVID-19 trong 3,5 giờ và có thể tiến hành 4.128 xét nghiệm trong 24 giờ.
Phê duyệt khẩn cấp của FDA cho phép các xét nghiệm này được triển khai tại nhiều thị trường, bao gồm cả Hoa Kỳ cũng như những quốc gia khác chấp nhận nhãn hiệu CE - biểu thị tuân thủ các tiêu chí của Châu Âu.