Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền với tuyên bố có chính sách đối ngoại độc lập hướng đến Nga và Trung Quốc, mối quan hệ quân sự giữa Nga và Philippines đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Sự xích lại gần nhau trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này có thể khiến Mỹ- một đồng minh thân cận bấy lâu nay của quốc gia Đông Nam Á này lo ngại.
Ba tàu chiến của Nga cuối tuần qua cập cảng ở thủ đô Manila của Philippines để dỡ hàng hóa. Đây là những vũ khí và các xe quân sự được tài trợ cho quốc gia Đông Nam Á này như một phần của mối quan hệ quốc phòng mới giữa hai nước.
Đây là chuyến cập cảng lần thứ 3 trong năm nay của các tàu chiến Nga, vốn nằm trong những kế hoạch của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm tạo dựng mối quan hệ mật thiết với Nga. Theo các sĩ quan hải quân Nga và Philippines, chuyến hàng gồm 5.000 súng trường, 1 triệu băng đạn và 200 xe tải quân sự.
Phó Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga Eduard Mikhailov nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm hết sức để chuyến cập cảng này là một đóng góp quan trọng, thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia trong lợi ích an ninh và ổn định khu vực này".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng thăm một trong những tàu chiến của Nga neo đậu tại cảng Manila và chứng kiến lễ kí kết thỏa thuận quân sự.
Thỏa thuận với Philippines sẽ cho phép Nga mở rộng thị trường vũ khí tại đây. Sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này một lần nữa khẳng định chính sách đối ngoại độc lập hướng đến Nga và Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte, kể từ khi lên nắm quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines tuần này cũng khẳng định, Philippines đang là một đối tác khu vực tiềm năng và Nga mong muốn hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng.
Trong chuyến thăm Nga vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của Philippines đối với các loại vũ khí tiên tiến của Nga trong nỗ lực đối phó với khủng bố.
Tổng thống Rodrigo Duterte đầu tháng này cũng tuyên bố Nga sẽ cung cấp vũ khí quân sự cho quân đội nước này chống lại các tay súng trung thành với tổ chức IS đang hoành hành tại đảo miền Nam Mindanao.
Sự chuyển dịch trong mối quan hệ Philippines và Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ- Philippines có nhiều rạn nứt với các tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Vốn là nhà cung cấp quân sự hàng đầu cho Philippines đồng thời là một đồng minh thân thiết của nước này, sự hợp tác quân sự gần gũi hơn giữa Nga và Philippines có thể khiến Mỹ lo ngại. Kể từ năm 2000, Mỹ đã hỗ trợ gần 1 tỉ USD trang thiết bị quân sự cho Philippines.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho rằng, Tổng thống Philippines tuyên bố tiếp tục mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, nhưng vẫn khẳng định mối quan hệ Mỹ-Philippines vững mạnh. Mỹ không phản đối việc Philippines cải thiện quan hệ với nước khác trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng nhấn mạnh: “Không có gì quá quan trọng vì những khí tài này chuyển cho Philippines nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia này. Đây là một quyết định thuộc chủ quyền của Philippines.
Trong các cuộc gặp song phương, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn khẳng định mối quan hệ Mỹ-Philippines vẫn hợp tác và vững mạnh. Do đó, đây không thực sự là một vấn đề lớn”.
Thực tế việc gần gũi hơn với Nga trong lĩnh vực quốc phòng nằm trong chiến lược của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đa dạng hóa hệ thống quân sự, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, Tổng thống Rodrigo Duterte đang bị sức ép gia tăng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng với cuộc chiến chống khủng bố tại quê hương Mindanao và ông vẫn cần nhận sự trợ giúp nhiều hơn từ đồng minh Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự./.