Lá phiếu phá vỡ truyền thống quan hệ Mỹ - Israel
Ngày 23/12, Nhà Trắng đã phá vỡ truyền thống hàng thập kỷ bằng việc lần đầu tiên không bảo vệ Israel tại Liên Hợp Quốc. Mỹ đã bỏ phiếu trắng thay vì phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc lên án Israel xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestines.
Là phiếu trắng này được đánh giá là đỉnh điểm của sự bất đồng quan điểm giữa tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Phía Israel đã chỉ trích gay gắt chính quyền ông Obama sau quyết định bỏ phiếu và cáo buộc ông Obama có âm mưu làm suy yếu nhà nước của người Do Thái.
"Chính quyền Obama không chỉ thất bại trong việc bảo vệ Israel tại LHQ, mà sau lưng còn cấu kết với LHQ [để chống lại Israel]", phát ngôn chính thức từ văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu.
Yediot Aharonot, một trong những tờ báo lớn nhất của Israel, đã gọi lá phiếu trắng của Mỹ tại Hội đồng Bảo An LHQ là "khoảnh khắc chạm đáy trong quan hệ giữa chính phủ Israel và chính quyền Obama".
Ở trong nước, cũng vì lá phiếu trắng này mà tổng thống đương nhiệm Obama đã nhận rất nhiều chỉ trích từ giới chính trị. Nhiều người còn cho rằng, nếu tổng thống tiếp theo là bà Clinton thì ông Obama chắc chắn đã không quyết định như vậy.
Lá phiếu cũng là cái cớ để một vài thượng nghị sĩ Cộng hòa bắt đầu các nỗ lực giảm hỗ trợ tài chính của Mỹ cho LHQ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump thì viết trên Twitter sau cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo An: "Đối với LHQ, mọi thứ sẽ thay đổi sau ngày 20/1 [ngày Trump chính thức nhậm chức]".
Các nhà phân tích cho rằng Israel có rất nhiều "kẻ thù", và động thái này của chính quyền Obama sẽ nhà nước Do Thái phải chịu thêm nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Lá phiếu trắng của Mỹ vừa qua cũng được coi là làm trầm trọng hơn sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ về vấn đề Israel.
Tuy nhiên, chính quyền của ông Obama coi việc bỏ phiếu trắng đó là đáng làm.
Lý giải về "lá phiếu lương tâm" từ chính quyền Obama
Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, cho rằng các hoạt động mở rộng định cư của người Do Thái dưới thời ông Netanyahu sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng có một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ cảm thấy trái với lương tâm của mình nếu phủ quyết một nghị quyết bày tỏ sự lo ngại về những xu hướng đang làm xói mòn nền tảng của một giải pháp hòa bình cho hai nhà nước", ông Rhodes trả lời các phóng viên.
Phủ nhận cáo buộc có một "âm mưu" chống lại nhà nước Do Thái, Rhodes cho biết: Tổng thống Obama thông báo với đội cố vấn an ninh quốc gia về quyết định bỏ phiếu trắng vào sáng thứ Sáu - đúng ngày bỏ phiếu. Mỹ cũng không đóng góp gì vào việc soạn thảo ra nghị quyết lên án Israel.
Israel đang gia tăng các hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ người Palestines tuyên bố chủ quyền. (Ảnh: AFP)
Rhodes cho rằng, chính ông thủ tướng Netanyahu nên tự trách mình khi đã "phớt lờ" cảnh báo tư phía Mỹ về việc cộng đồng quốc tế sẽ gây áp lực mạnh hơn tới Israel, nếu nước này gia tăng các hoạt động định cư trên đất của người Palestines.
"Thủ tướng Netanyahu đã có cơ hội để theo đuổi một chính sách khác, một chính sách mà nhẽ ra sẽ mang tới một kết cục khác với ngày hôm nay", ông Rhodes nói.
Chính quyền ông Obama đã phải quyết định bỏ phiếu trắng vì đã quá thất vọng với các động thái tăng cường định cư của Israel, đồng thời rất mong muốn giải quyết xung đột ở khu vực này.
Xung đột Israel – Palestines vốn đã ám ảnh và là bài toán chưa có lời giải của rất nhiều thế hệ tổng thống Mỹ.
Thực tế, rất nhiều chính quyền Mỹ, qua các thời kỳ, đã phản đối các hoạt động định cư của Israel trên vùng lãnh thổ mà người Palestines tuyên bố chủ quyền. Phía Mỹ cho rằng những hoạt động đó của Israel là một trở ngại lớn trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho hai nhà nước.
Và như vậy, lá phiếu của chính quyền Obama hôm 23/12 vẫn thống nhất với quan điểm đó của Mỹ.
Ông Obama cũng từ lâu bác bỏ các chỉ trích rằng ông không làm đủ những điều cần làm để giúp đỡ Israel – một đồng minh chính của Mỹ ở Trung Đông.
Ông Obama đã chỉ ra những sự trợ giúp lớn cho Israel, ví dự như khoản hỗ trợ quốc phòng 38 tỷ USD mà Mỹ đã ký với Israel trong năm nay.
Tuy nhiên, vì sao từ năm 1980 đến ngày 23/12 vừa rồi, Mỹ đã luôn phủ quyết mọi nghị quyết của LHQ lên án các hoạt động định cư của Israel trên lãnh thổ Palestines?
Ông Rhodes giải thích rằng, Mỹ (tuy phản đối các hành động leo thang của Israel) đã không bỏ phiếu ủng hộ lên án Israel ở LHQ trong hàng thập kỷ qua, là vì Mỹ thấy LHQ không phải là một tổ chức trung gian phù hợp để giải quyết xung đột Israel-Palestines.
Mỹ cho rằng, ở LHQ có một vài nhà nước thành viên luôn có xu hướng "chống Israel" [và Mỹ phải là một "đối trọng" bảo vệ Israe khỏi sự thù địch này].
Ông Obama chỉ đánh giá cao LHQ khi nó là cơ quan trung gian trong việc giúp thế giới đạt được sự đồng thuận ở các vấn đề như biến đối khí hậu hay ngăn chặn chiến tranh ở nước ngoài.
Cuối cùng, dù các bên (Israel, chính quyền Obama) có đưa ra các lý lẽ như thế nào về lá phiếu trắng của Mỹ tại HĐ Bảo An LHQ hôm 23/12 vừa rồi, thì các nhà phân tích Mỹ và quốc tế đều đồng thuận ở một điểm:
Lá phiếu này thực sự sẽ gia tăng áp lực cho Israel trong các cuộc đàm phán, đồng thời làm phức tạp hơn tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông. Và ông Trump sẽ là người có trách nhiệm phải đi giải quyết các "hậu quả" này.