Mỹ đã chi 6.000 tỷ USD cho các gói giải cứu trong dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Tài chính đã thông báo với Quốc hội ngày 2/8 để xác nhận rằng bộ này đã bắt đầu các biện pháp khẩn cấp. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trình bày với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng Bộ Tài chính sẽ ngừng thanh toán thường kỳ cho một số quỹ hưu trí.
Bà Yellen nói: “Tôi sẽ không thể chi đầy đủ khoản tiền cho Quỹ Khuyết tật và Hưu trí Dịch vụ Dân sự (CSRDF) vì quỹ này vốn không phải thanh toán ngay cho các bên hưởng lợi và giai đoạn ngừng phát hành nợ sẽ bắt đầu ngày 2/8 đến ngày 30/9/2021. Tôi mong Quốc hội bảo vệ niềm tin và mức tín nhiệm của nước Mỹ bằng cách hành động càng sớm càng tốt”.
Trước đó, bà Yellen đã nhấn mạnh với bà Pelosi rằng mức trần hàng nghìn tỷ USD trong chi tiêu liên bang và các gói giải cứu trong đại dịch COVID-19 đã khiến bà khó khăn hơn trong dự báo Bộ Tài chính sẽ có thể duy trì các biện pháp bất thường này bao lâu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters
Các biện pháp bất thường cho phép Bộ Tài chính sử dụng các khoản tiền lẽ ra dành cho chương trình hưu trí liên bang và ngừng chi các khoản tiền mới để có đủ tiền mà không cần nâng trần nợ. Tuy nhiên, khi những biện pháp này được sử dụng tối đa thì sẽ không có biện pháp hỗ trợ gì nữa.
Trừ khi chính phủ phát hành thêm trái phiếu, nếu không các khoản chi an sinh xã hội, chi tiêu y tế, chi tiêu quân sự, lãi suất khoản nợ và các nghĩa vụ nợ khác sẽ bị dừng.
Theo kênh CNBC, các nhà kinh tế cho rằng các biện pháp bất thường sẽ giúp Bộ Tài chính trả các hóa đơn của chính phủ và không vượt quá mức nợ mới trong 2 hoặc 3 tháng tới. Sau đó, Quốc hội Mỹ sẽ cần nâng hoặc tạm ngừng trần nợ, nếu không Mỹ có nguy cơ vỡ nợ.
Vấn đề trần nợ là công cụ chính trị suốt hơn thế kỷ qua, ngăn Bộ Tài chính Mỹ phát hành trái phiếu mới để có tiền cho các hoạt động của chính phủ khi đã vay tới mức nợ nhất định. Trần nợ đã đạt 22.000 tỷ USD vào tháng 8/2019 và được tạm ngừng áp dụng tới ngày 31/7 vừa rồi.
Trần nợ mới sẽ gồm các khoản vay thêm của Mỹ từ mùa hè năm 2019. Hồi tháng 7, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng trần nợ mới có thể sẽ ở mức 28,5 nghìn tỷ USD.
Bà Lindsey Piegza, nhà kinh tế trưởng tại công ty ngân hàng đầu tư Stifel, cho biết các biện pháp bất thường không mới, cũng không gây báo động ngay lập tức. Bà nói: “Chúng ta đã từng thực hiện các biện pháp khẩn cấp trước đó, nên điều này không gây quan ngại lắm. Tuy nhiên, điều ảnh hưởng là làm suy giảm niềm tin của người dân Mỹ vào chính phủ. Nó cũng cho thấy cuộc đấu đá bên trong giữa các quan chức, khiến hai bên khó phối hợp trong bất kỳ cái gì, từ chi tiêu cho tới trần nợ”.
Mặc dù các nhà kinh tế lạc quan về khả năng các đảng phái sẽ đạt thỏa thuận hoãn áp dụng trần nợ, nhưng các tính toán ở Washington phức tạp hơn nhiều. Một quan chức Nhà Trắng nói: “Trách nhiệm của Quốc hội là nâng hoặc hoãn trần nợ để chi trả các khoản”.
Còn phía Quốc hội, không có mấy nghị sĩ muốn mạo hiểm ủng hộ khoản nợ liên bang ngày càng phồng to trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 15 tháng.
Thảm họa kinh tế gần như chắc chắn cũng không ngăn được các chính trị gia sử dụng trần nợ để làm con bài chính trị trong nhiều năm qua. Trong thời chính quyền Barack Obama, phe Cộng hòa thường dùng chuyện vỡ nợ để làm đòn bẩy, đổi lấy các nhượng bộ chính sách từ Nhà Trắng nếu Nhà Trắng muốn họ bỏ phiếu nâng trần nợ.
Mặc dù chính phủ liên bang chưa bao giờ vỡ nợ nhưng các nhà kinh tế cho rằng sự kiện này sẽ gây hậu quả thảm họa với nền kinh tế Mỹ vì sẽ làm lãi suất tăng.
Giáo sư kinh tế Đại học Harvard, ông Karen Dynan, nhận định: “Chính phủ cần có tiền, ví dụ để trả lãi suất các khoản nợ, và nếu chính phủ ngừng trả lãi suất thì có thể khiến các thị trường tài chính cực kỳ bất ổn”.
Ông Dynan cho biết chính phủ cần các khoản tiền này để trả cho nhân viên chính phủ và thanh toán an sinh xã hội. Ông nói: “Người dân phụ thuộc vào khoản tiền đó và có thể rất khó khăn nếu họ không nhận được tiền như dự kiến”.
Mỹ đã bơm trên 6.000 tỷ USD cho các gói giải cứu trong đại dịch COVID-19, khiến nợ của Mỹ đạt 28,5 nghìn tỷ USD hồi tháng 6. Nợ liên bang đã vượt mức tương đương 100% GDP vào mùa xuân năm 2020 và dự kiến vượt 109% vào cuối năm nay.
Khác với đa số quốc gia, Mỹ tận dụng vị thế độc tôn là nước phát hành đồng USD, đồng tiền thế giới trên thực tế, cho phép nước này áp dụng nới lỏng định lượng hàng chục năm qua và chi tiêu ngoài khả năng mà không sợ lạm phát mất kiểm soát, cũng không sợ bị các nhà đầu tư đánh giá nợ xấu.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng hệ thống này không thể trụ mãi và bong bóng nợ của Mỹ có thể vỡ, gây ra sụp đổ tài chính hàng loạt, suy thoái toàn cầu.