Mỹ khởi động chiến dịch "ngoại giao thầm lặng" ở biển Đông

Linh Nguyễn |

Mỹ đang sử dụng ngoại giao thầm lặng thuyết phục Philipines, Indonesia và các nước khác không vội vàng lợi dụng phán quyết PCA để phủ nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Chúng tôi muốn cho tình hình tạm lắng để các vấn đề này có thể được xem xét một cách thỏa đáng bằng lý trí thay vì cảm xúc", một quan chức ẩn danh của Mỹ cho biết.

Nguồn tin cũng tiết lộ, thông điệp này đã được gửi đến một số nước thông qua các Đại sứ quán Mỹ ở nước sở tại hoặc cơ quan đại diện ngoại giao những nước này ở Washington.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Ngoại trưởng John Kerry và một số quan chức cấp cao khác của chính phủ Mỹ cũng trực tiếp chuyển thông điệp tới lãnh đạo các nước.

"Đây là lời kêu gọi các bên cùng lắng xuống, chứ không phải là nỗ lực đưa cả khu vực đối đầu với Trung Quốc", quan chức này nói thêm.

Nỗ lực ổn định tình hình sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague hôm 12/7 vừa qua đã thất bại khi Đài Loan đưa một tàu chiến đến khu vực. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói với thủy thủ rằng nhiệm vụ của họ là bảo vệ cái mà bà này gọi là "lãnh hải của Đài Loan".

Các quan chức Mỹ cho biết, họ hy vọng sáng kiến ngoại giao của Washington sẽ thành công tại Indonesia, nước đang có kế hoạch đưa hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền ở khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, cũng như tại Phillipines, nước có ngư dân nước nhiều lần bị tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc tấn công.

"Một ẩn số"

Một quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống mới của Phillipines, ông Rodrigo Duterte vẫn là "một ẩn số" khi có thái độ khi thì hiếu chiến, lúc lại mềm mỏng với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Philipines Delfin Lorenzana nói rằng tại thời điểm trước phán quyết, ông đã trao đổi với người đồng cấp Ash Carter, và được biết rằng Trung Quốc đã cam đoan với phía Mỹ sẽ có thái độ kiềm chế, và phía Mỹ cũng có cam kết tương tự.

Ông Carter cũng đã nhận được cam kết tương tự từ phía Philipines, ông Lorenzana cho biết thêm.

Về phần mình, Trung Quốc nhắc lại đề nghị đối thoại giữa Bắc Kinh và Manila, trong khi Ngoại trưởng nước này, ông Vương Nghị ngang ngược nói đã đến lúc đưa mọi thứ về "đúng quỹ đạo" sau "tấn trò hề" của vụ kiện.

Vào thứ Năm, Nhân dân Nhật báo, cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài tự khoe rằng Bắc Kinh đã cho thấy khả năng giải quyết các vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán và viện dẫn một số ví dụ, trong đó có các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hàn Quốc.

"Trung Quốc là người bảo vệ đáng tin cậy cho nguyên tắc rằng mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng, và đã luôn sử dụng tham vấn để giải quyết vấn đề chủ quyền trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối và tôn trọng lẫn nhau" Nhật báo Nhân dân viết.

Trong khi đó, vào thứ Tư, 2 máy bay dân dụng của Trung Quốc đã hạ cánh xuống 2 sân bay mới mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đảo san hô mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, một động thái mà Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích là sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

"Chúng tôi không liên quan gì đến vấn đề biển Đông, ngoài niềm tin… vào tự do hàng hải", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết trong một cuộc họp vào thứ Tư.

"Thay vào đó, điều chúng tôi muốn thấy ở khu vực điểm nóng này là căng thẳng sẽ hạ nhiệt. Chúng tôi cũng muốn thấy các bên cùng tìm ra cách để giải quyết vấn đề một cách hòa bình."

Kế hoạch dự phòng

Tuy nhiên, nếu nỗ lực này thất bại, và căng thẳng leo thang thành cuộc đụng độ, lực lượng không quân và hải quân Mỹ sẵn sàng tiến hành duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực tranh chấp, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định vào thứ Tư.

Nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin, một thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng cuộc đối đầu khó xảy ra nếu Philipines, Indonesia và các nước khác hợp tác với Mỹ thay vì tự xử lý.

"Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn đối đầu với Hoa Kỳ", ông nói với các phóng viên.

Phán quyết của tòa án có thể sẽ là chủ đề chính cho một cuộc họp giữa 10 nước ASEAN tại Lào vào cuối tháng Bảy.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cũng sẽ tham dự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại