Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, trong bài phát biểu của ông ngày 26/5, ông từng nhấn mạnh rằng Mỹ và các đối tác và đồng minh của mình cam kết duy trì một hệ thống nơi hàng hóa, ý tưởng, và người dân di chuyển tự do trên mặt đất, không gian, không gian mạng và trên biển. Hệ thống này mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ. Theo Ngoại trưởng Blinken, việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do và rộng mở theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), là một phần của tầm nhìn chung đó.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, 6 năm trước, Tòa trọng tài thường trực, trên cơ sở UNCLOS đã đưa ra một quyết định thống nhất cuối cùng và có tính ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc. Trong phán quyết này, Tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông do không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.
Theo Ngoại trưởng Blinken, hồi đầu năm nay, Mỹ đã công bố báo cáo "Giới hạn trên biển” số 150, xem xét các diễn giải mới về yêu sách Biển Đông của Trung Quốc sau Phán quyết năm 2016. Báo cáo này đã kết luận rằng các diễn giải mới về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tiếp tục không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Mỹ tái khẳng định chính sách công bố ngày 13/7/2020 liên quan tới các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang, các tàu bè thuộc nhà nước, và máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ tương hỗ của Mỹ theo Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký năm 1951.
Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và ngừng các hành động khiêu khích. Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác cũng như các thể chế khu vực như ASEAN nhằm bảo vệ và duy trì trật tự dựa trên luật lệ./.