Trong cuộc họp khẩn về vấn đề Venezuela tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 26/1, Venezuela và Nga đã lên tiếng cáo buộc Washington đang thúc đẩy một cuộc đảo chính ở Venezuela và chỉ trích yêu cầu Cacaras tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 8 ngày của châu Âu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định chính Tổng thống Maduro là nguyên nhân khiến kinh tế Venezuela sụp đổ.
"Bây giờ là thời điểm các quốc gia chọn một phe. Hoặc bạn đứng cùng bên với lực lượng tự do, hoặc bạn cùng chiến tuyến với Maduro và tình trạng hỗn loạn mà ông ta gây ra. Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên của Hội đồng bảo an ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ ở Venezuela và vai trò của Tổng thống lâm thời Guaido", ông Pompeo nói.
Vị Ngoại trưởng Mỹ cùng với đó kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt đứt liên hệ tài chính với chính quyền của ông Maduro. Washington trước đó cũng đánh tiếng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế để đẩy ông Maduro khỏi chiếc ghế quyền lực.
Bất chấp sự phản đối của Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Guinea Xích Đạo trước yêu cầu mở cuộc họp khẩn của Mỹ, Washington đã thành công khi đưa vấn đề Venezuela ra thảo luận tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên Matxcơva và Bắc Kinh nhấn mạnh bất cứ hành động nào từ hội đồng đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Nam Mỹ cũng sẽ bị họ phủ quyết.
Trong khi đó, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha hôm 26/1 tuyên bố sẽ công nhận Guaido là tổng thống nếu ông Maduro không tổ chức bầu cử minh bạch trong vòng 8 ngày. Nga sau đó gọi tối hậu thư này là "ngớ ngẩn" trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Venezuelan nói đó là một trò trẻ con.
"Châu Âu cho chúng tôi 8 ngày? Bạn ở đang ở đâu mà lại đưa ra tối hậu thư cho một quốc gia có chủ quyền", Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza nói trước Hội đồng Bảo An LHQ. Ông này cũng cho biết đề nghị đối thoại với chính quyền Tổng thống Trump vẫn ở trên bàn dù Washington vẫn tỏ thái độ chống ông Maduro trong suốt 2 năm qua.
"Nếu Tổng thống Trump hoặc Tổng thống Mỹ náo khác tìm kiếm chiến tranh để chứng tỏ rằng mình có thể điều hành và kích động nền kinh tế, họ sẽ không thể có cuộc chiến tranh đó ở Venezuela", ông Arreaza nói với các nhà báo sau đó.
Venezuela đã chìm trong khủng hoảng dưới thời Tổng thống Maduro. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống nhà lãnh đạo Venezuela nổ ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và kinh tế buộc người dân phải di cư và khiến lạm phát tăng lên mức 10 triệu % trong năm qua.
Tháng 5/2018, Tổng thống Maduro tái đắc cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mà Mỹ và nhiều quốc gia Mỹ Latinh khẳng đinh là không trung thực.
Phe đối lập cũng cáo buộc chính phủ mua phiếu bầu, đồng thời thúc giục ông Juan Guaido lên nắm quyền sau khi ông Maduro tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10/1/2019.
Hôm 24/1, ông Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời, khẳng định sẽ chấm dứt thời kỳ tiếm quyền của ông Guaido. Mỹ, Canada và một loạt các nước Mỹ Latinh đã công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela. Trong khi đó, lực lượng quân sự Venezuela vẫn cam kết trung thành với ông Maduro.
Tuy nhiên vào ngày 26/1, một số quan chức quân sự chủ chốt đã bắt đầu tỏ thái độ ủng hộ ông Guaido. Tùy viên quốc phòng Venezuela tại Washington, ông Jose Luis Silva nói với Reuters rằng ông sẽ ngừng ủng hộ chính phủ Maduro và công nhận thủ lĩnh phe đối lập là tổng thống lâm thời.
Cũng trong ngay 26/1, ông Guaido kêu gọi các quốc gia châu Âu gửi viện trợ tới Venezuela để giúp giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay. Chính quyền Maduro trước đó từ chối các khoản viện trợ, phủ nhận một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong nước và đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt gây ra các vấn đề kinh tế tại quốc gia này.