Mỹ “hô biến” tên lửa dành cho tàu chiến thành vũ khí phóng từ trên không

Hồng Anh/ VOV |

Mỹ đã cải biên tên lửa phòng không SM-6 thường dùng cho tàu chiến để trang bị cho máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của lực lượng hải quân.

Sau khi loại bỏ máy bay máy bay F-14 Tomcat cùng với tên lửa AIM-54 Phoenix vào năm 2004, Mỹ thiếu trầm trọng các tên lửa có tầm bắn khoảng 200km. Để lấp đầy khoảng trống này, quân đội Mỹ đã quyết định điều chỉnh tên lửa phòng không và tên lửa chống đạn đạo phóng từ tàu chiến thành phiên bản phóng từ máy bay.

Tên lửa XAIM-147B được lắp đặt dưới cánh của máy bay Super Honet. Ảnh: eurasiantime

Sự lợi hại của phiên bản SM-6 phóng từ trên không

Hồi đầu tháng 7, ngành hàng không quân sự đã bị bất ngờ khi có thông tin cho biết, Mỹ sử dụng tên lửa phòng không SM-6 thường dùng cho tàu chiến để trang bị cho máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của lực lượng hải quân. Kết quả là tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới bất ngờ xuất hiện, vượt trội đáng kể so với các tên lửa đối thủ của Nga và Trung Quốc.

SM-6, được chế tạo cho tàu chiến của lực lượng hải quân, có tầm bắn khoảng 442km, xa gấp 3 lần so với tầm bắn của tên lửa AMRAAM mà quân đội Mỹ đang sở hữu. Trong khi đó, tên lửa không đối không tầm xa nhất của Trung Quốc là PL-15 (“Thunderbolt-15”) chỉ có tầm bắn gần 300km.

Tập đoàn Raytheon cho biết: “SM-6 là tên lửa 3 trong 1. Đây là vũ khí duy nhất có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến phòng không, tác chiến chống tàu mặt nước, phòng thủ tên lửa đạn đạo hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác trên biển”.

Phiên bản mới của SM-6 trang bị cho máy bay chiến đấu có tên gọi XAIM-147B. Hải quân Mỹ xác nhận, XAIM-174B được triển khai để tham gia hoạt động với các hạm đội, nghĩa là tên lửa này đã sẵn sàng được sử dụng trong chiến đấu – một bước tiến xa hơn nhiều so với đánh giá ban đầu của các chuyên gia quốc phòng. Một nhiếp ảnh gia đã chụp được bức ảnh máy bay chiến đấu Super Hornet mang theo 2 tên lửa XAIM-147B trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.

Việc điều chỉnh tên lửa SM-6 để trang bị cho máy bay chiến không gặp nhiều khó khăn. Trước hết, Mỹ đã sẵn có dây chuyền sản xuất tên lửa này. Điều đó có thể rút ngắn thời gian lắp đặt tên lửa. Thứ hai, lực lượng hải quân cũng nắm rõ khái niệm về hoạt động hoặc cách sử dụng tên lửa trong chiến đấu do đó không cần nhiều thời gian để huấn luyện sử dụng phiên bản cải tiến.

Những bức ảnh chụp từ cuộc tập trận cho thấy XAIM-147B thực chất là tên lửa SM-6 nhưng bị loại bỏ bộ tăng áp MK72. Việc sử dụng MK72 là không cần thiết khi phóng ở độ cao lớn – nơi luồng không khí loãng hơn so với khu vực gần mặt đất. Điều này có thể giúp giảm đáng kể trong lượng của tên lửa. Kết quả là, hải quân Mỹ đã có được một tên lửa không đối không ưu việt. Tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động tương tự như AIM-120 AMRAAM và việc loại bỏ mục tiêu được thực hiện với đầu đạn nặng 140kg. Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng tên lửa vẫn giữ được tốc độ Mach 3.5 dù không sử dụng bộ phận tăng áp MK72 khi được phóng trong bầu khí quyển loãng hơn.

Máy bay chiến đấu Super Hornet có thể phóng từ tàu sân bay của Mỹ và được trang bị một số vũ khí tiên tiến nhất trong kho vũ khí của quốc gia này, nhưng trước đó chúng không thể tấn công mục tiêu trên đất liền, trên biển hoặc ở khoảng cách xa với tốc độ gần như siêu thanh, cho đến khi tên lửa XAIM-174B ra đời.

XAIM-174B cung cấp cho Super Hornet một phương tiện tấn công ưu việt, giúp máy bay bay ở khoảng cách đáng kể, tránh xa mạng lưới phòng không của đối phương. Tên lửa này có thể đạt vận tốc gần bằng hoặc vượt quá tốc độ siêu thanh trong giai đoạn cuối của chuyến bay khiến việc đánh chặn và phòng thủ rất khó khăn. Khi được phóng nhanh từ độ cao lớn, tên lửa có thể phá hủy tàu chiến thậm chí tên lửa đạn đạo của đối phương đang bay tới ở khoảng cách xa hàng trăm km.

Theo giới phân tích, việc sử dụng XAIM-147B chống lại máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay trình sát và tuần tra trên biển, máy bay tiếp nhiên liệu trên không cũng như máy bay ném bom ở tầm cực xa sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng không chiến của lực lượng hải quân, đồng thời tạo ra mối đe dọa lớn đối với máy bay của các lực lượng đối địch.

Nhu cầu chuyển đổi xuất phát từ cuộc xung đột Nga - Ukraine

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhu cầu cung cấp vũ khí cho Kiev đã dẫn đến nhiều cải tiến tương tự với khí tài quân sự của Mỹ. Chẳng hạn, tên lửa chống radar HARM của Mỹ, được thiết kế từ thời chiến tranh Lạnh để săn lùng radar phòng không của Liên Xô đã được sửa đổi để sử dụng cho các máy bay chiến đấu Su-27 "Flanker" và MiG-29 "Fulcrum" cũ của không quân Ukraine.

Bên cạnh đó, các kỹ sư phòng không của Séc và Ba Lan đã giúp tích hợp thành công tên lửa của Mỹ với hệ thống phòng không cũ kỹ Buk của Ukraine. Hệ thống Buk nâng cấp có tên gọi "FrankenSAM", được trang bị tên lửa Sea Sparrow, để bắn hạ máy bay không người lái của Nga và ngăn chặn các mối đe dọa khác từ trên không. Ngoài ra, Ukraine cũng kết hợp radar thời Liên Xô với tên lửa AIM-9M Sidewinder của Mỹ và cải tiến hệ thống phòng không Buk để phóng tên lửa RIM-7.

Một trong những cải tiến quan trọng khác của Ukraine là sử dụng hệ thống phòng không vác vai Stinger do Mỹ cung cấp để bắn hạ tên lửa hành trình của Nga. FIM-92 Stinger là hệ thống phòng không tầm ngắn, có thể được lực lượng bộ binh triển khai nhanh chóng.

FIM-92 Stinger có chiều dài 1,52m, trọng lượng 15,2kg (tên lửa nặng 10,1kg), tầm bắn từ 1.000 đến 8.000m. Hệ thống này sử dụng thiết bị tìm kiếm hồng ngoại thụ động để khóa mục tiêu, thường là máy bay và trực thăng của đối phương ở tầm thấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại