Người dân Hong Kong xếp hàng mua số cuối cùng của Apple Daily ngày 24/6 Ảnh: AP
Các thành viên của Ủy ban cho biết, trong cuộc họp tới, cơ quan này sẽ tranh luận và cân nhắc việc sửa đổi “Đạo luật bảo đảm sự tham gia và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”, còn gọi là Đạo luật Chim ưng, Reuter đưa tin. Hạ nghị sĩ Gregory Meeks, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, là người đề xuất Đạo luật Chim ưng từ tháng trước.
Hôm 8/6, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật khác về Trung Quốc mang tên “Đạo luật cạnh tranh và đổi mới sáng tạo Mỹ”, gọi tắt là USICA, để cho phép rót khoảng 190 tỷ USD vào các hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, chi 54 triệu USD để tăng cường sản xuất và nghiên cứu thiết bị bán dẫn và viễn thông.
Các lãnh đạo Hạ viện chọn cách không tham gia dự luật của Thượng viện, mà thay vào đó sẽ thông qua dự luật của riêng mình. Quy trình này sẽ phải chờ cả tháng để có thể trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Hôm 25/6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp các thành viên Hạ viện, như ông Meeks và Hạ nghị sĩ Michael McCaul của đảng Cộng hoà tại Nhà Trắng để thảo luận về “tầm quan trọng sống còn” của những sáng kiến cạnh tranh với Trung Quốc như USICA. “Ông Sullivan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các mục tiêu chính sách đối thoại với những khoản đầu tư quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế”, Nhà Trắng thông báo.
Phải cứng rắn với Trung Quốc là một trong những quan điểm hiếm hoi nhận được sự đồng thuận trong Quốc hội Mỹ đầy chia rẽ. Mâu thuẫn mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc đóng cửa báo Apple Daily ở Hong Kong. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua bác bỏ phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng việc đóng cửa Apple Daily báo hiệu Bắc Kinh sẽ siết chặt quản lý đặc khu Hong Kong. Ngày 24/6, ông Biden nói rằng việc đóng cửa Apple Daily “là một ngày buồn của tự do báo chí”.
Một số nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi phải trừng phạt những quan chức có vai trò trong vụ đóng cửa tờ báo này, CNN đưa tin. Tờ báo 26 tuổi buộc phải đóng cửa sau khi giới chức đóng băng tài sản của công ty thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Jimmy Lai. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ những chỉ trích liên quan đến Apple Daily. “Quan điểm của người Mỹ là không có căn cứ trên thực tế”, ông Triệu nói.
Bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc, hôm qua cũng lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ ông Lai, người bị giam từ tháng 12 năm ngoái vì tội tụ tập trái phép khi tham gia các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ông đối mặt với 3 tội danh theo luật an ninh quốc gia, trong đó có tội câu kết với nước ngoài.