Bắc Kinh tức giận, Đài Loan hoan hỉ
Trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/5, người phát ngôn ảnh Sảng đã trả lời về việc Hạ viện Mỹ thông dự luật liên quan đến Đài Loan vào ngày 7/5.
Theo đó, ông Cảnh Sảng khẳng định: "Dự luật liên quan đến Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và quy định trong ba thông cáo chung (được đồng thuận vào các năm 1972, 1979 và 1982), là sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, phía Bắc Kinh kiên quyết phản đối động thái này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Washington.
"Chúng tôi [Bắc Kinh] thúc giục phía Mỹ tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc" và quy định trong ba tuyên bố chung, đồng thời ngăn chặn Quốc hội Mỹ thúc đẩy phê duyệt các dự luật liên quan, xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan, nhằm tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho sự hợp tác trong các lĩnh vực quan trong của mối quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan", ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.
Sáng nay 9/5, trong bài viết đăng tải trên trang nhất, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo cũng khẳng định, dự luật liên quan đến Đài Loan mới được Hạ viện Mỹ phê chuẩn đã "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc pháp lý quốc tế và nghĩa vụ quốc tế cơ bản".
Mỹ đang chọc giận Trung Quốc vì dự luật về Đài Loan. Ảnh: CNN
Đồng thời, tờ này đưa ra lời cảnh cáo: "Trung Quốc luôn kiên định với quyết tâm bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên trước bất kỳ hành động mù quáng nào nhằm vào lợi ích cốt lõi Trung Quốc của các thế lực bên ngoài. Nếu phía Mỹ khư khư cố chấp đi trên con đường sai lầm, nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sự hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng của mối quan hệ Trung Mỹ và hòa bình ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan".
Trong khi đó, chính quyền Đài Loan tỏ ra vui mừng trước động thái này của Washington. Hãng thông tấn CNA (Đào Loan) cho biết, ngay sau khi Hạ viện Mỹ phê chuẩn dự luật, chính quyền bà Thái Anh Văn đã rất bày tỏ cảm kích.
"[Đài Loan] rất cảm ơn Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ Đài Loan. [Dự luật này] có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm ký kết Đạo luật quan hệ Đài Loan. Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế, với những nỗ lực trong gần ba năm qua, Đài Loan đã được coi là đối tác đáng tin cậy trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Đài Loan ngày nay không chỉ là Đài Loan của eo biển Đài Loan mà xét trên ý nghĩa chiến lược trên trường quốc tế, Đài Loan đã là Đài Loan ở Thái Bình Dường", người phát ngôn chính quyền Đài Loan Trương Đôn Hàm phát biểu.
Chuyên gia Trung Quốc: Ba hậu quả lớn
Theo giới phân tích Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã rất dụng ý khi lựa chọn thời điểm này để tiến hành thông qua dự luật liên quan đến Đài Loan.
Bởi việc này giúp Washington đạt được hai mục đích: Vừa tối đa hóa giá trị của "lá bài Đài Loan" nhằm tác động đến các cuộc đàm phán thương mại Trung Mỹ - hiện đang rơi vào bế tắc, vừa để nâng cao vị thế đặc thù của Mỹ trên thế giới.
"Theo tình hình hiện nay, xác suất Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này là rất cao. Đây là biện pháp thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Đài Loan và đảng Dân tiến, đồng thời Mỹ muốn thông qua dự luật này để tăng cường ảnh hưởng với Đài Loan và muốn tiếp tục sử dụng vấn đề Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Vì thế dự luật sẽ được thông qua tại Thượng viện trong quý ba và đặt trên bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump sau đó", Sina dẫn nguồn tin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho rằng, ông Trump sẽ quan sát và cân nhắc về việc ký dự luật này. "Nếu các cuộc đàm phán thương mại Trung Mỹ thực sự đổ bể, quan hệ song phương trong tương lai ảm đạm, Tổng thống Trump có thể sẽ ký dự luật. Ngược lại, tình huống khác có thể xảy ra".
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nếu dự luật này được thông qua, hai nước sẽ phải trực tiếp đối mặt với ba hậu quả lớn.
Thứ nhất, nó sẽ tác động tiêu cực lớn đến quan hệ Trung Mỹ.
"Với dự luật mới, Mỹ muốn hỗ trợ Đài Loan về mọi mặt, bao gồm quân sự, kinh tế, chính trị. Truyền thông Đài Loan tiết lộ, nội dung quân sự trong dự luật đề cập việc "bình thường hóa mua bán vũ khí", "Đài Loan tham gia vào các cuộc tập trận quân sự song phương" và "quan chức cấp cao quân đội Mỹ tới Đài Loan"... Nếu một ngày Đài Loan tham dự vào các cuộc tập trận song phương với Mỹ thì Đại lục sẽ phải có biện pháp quyết liệt chống lại cả hai. Cho nên, điều này sẽ tác động nghiêm trọng tới quan hệ Trung Mỹ", Sina viết.
Thứ hai, sẽ kích động các phần tử ủng hộ Đài Loan độc lập, nhằm gây tổn hại quan hệ hai bờ eo biển.
"Nếu dự luật này có hiệu lực, nó sẽ kích động các phần tử ủng hộ Đài Loan trở nên hung hăng hơn và làm suy yếu thêm quan hệ hai bờ eo biển. Đặc biệt, nếu đảng Dân tiến liên nhiệm, quan hệ hai bờ eo biển chắc chắn sẽ xấu hơn trong bốn năm tới", chuyên gia Trung Quốc nói.
Thứ ba, nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan tăng cao
Giới phân tích Trung Quốc nhận định, nếu Mỹ tiếp tục ủng hộ Đài Loan và đảng Dân tiến sẵn sàng với kế hoạch "độc lập" khiến Bắc Kinh cảm thấy nguy cơ về hòa bình thống nhất, Trung Nam Hải khi đó sẽ phải khởi động Luật chống ly khai. Vì vậy, khả năng xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, những động thái này của Mỹ xét một cách sâu xa thì rất có lợi cho Bắc Kinh. Bởi, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật lần này giúp Bắc Kinh hiểu rõ ý đồ của Washington, điều này giúp Bắc Kinh thực hiện nhiều biện pháp để thống nhất Đài Loan với tốc độ nhanh hơn.
Ngoài ra, nếu Đài Loan vượt qua lằn ranh đỏ thì thống nhất bằng vũ lực có thể trở thành một lựa chọn.
Trong bài phát biểu hồi đầu năm, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng nhấn mạnh: "Chúng ta không cam kết sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực, giữ nguyên tất cả các lựa chọn thực thi cần thiết, mục đích là nhắm vào sự can thiệp từ bên ngoài và bộ phận nhỏ các phần tử ủng hộ 'Đài Loan độc lập" và hoạt động của họ".
Vào ngày 7/5, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật không ràng buộc nhằm tái khẳng định cam kết với Đài Loan. Kết quả bỏ phiếu đạt 414/414 phiếu thuận. Ngoài ra, Hạ viên cũng đồng ý thông qua dự thảo Luật đảm bảo Đài Loan 2019.