Mỹ được gì khi "bán đứng" đồng minh người Kurd ở Syria?

An Sơn |

Bằng cách "hy sinh" đồng minh là lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria, Washington đang muốn hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn Ankara xích lại gần Nga.

Chỉ với một mũi tên Mỹ đã bắn trúng tới hai đích, Sputnik News (Nga) dẫn lời Jean Perier- chuyên gia, chuyên gia về các vấn đề về Trung Đông đánh giá.

Theo Jean Perier, người Kurd ở Syria đã trở thành con át chủ bài tạo thế cân bằng của Washington trong đàm phán với Ankara.

"Với việc 'bán đứng' đồng minh người Kurd, Nhà Trắng không những có thể hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ngăn cản việc Ankara xích lại gần hơn với Moscow.

Điều này còn giúp giảm căng thẳng trong bối cảnh Ankara nhất quyết đòi trao trả giáo sỹ Muhammed Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ,", trích từ bài báo của Jean Perier cho tạp chí New Eastern Outlook.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng Mỹ luôn quan sát thận trọng diễn biến quan hệ Nga-Thổ ngày một nồng ấm sau âm mưu đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 15/7.

Hơn nữa, việc Ankara tuyên bố cuộc xung đột ở Syria không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Nga đã giáng đòn tâm lý mạnh vào chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.

"Trong hoàn cảnh này, Washington đã quyết định làm tất cả mọi thứ để hàn gắn quan hệ với Ankara, bằng cách hy sinh đồng minh người Kurd," Perier nhấn mạnh.

Điều này được thể hiện qua chuyến thăm gần đây tới Thổ Nhĩ Kỳ của Phó Tổng thống Joseph Biden, Washington rõ ràng có dụng ý khi chọn ông Biden chứ không phải là Ngoại trưởng John Kerry trong nỗ lực nhằm thắt chặt quan hệ với chính phủ ông Erdogan.

Kết quả là, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từ hôm 24/8 với sự hỗ trợ tích cực của Mỹ ở miền bắc Syria.

Tuy nhiên, theo truyền thông phương Tây thì trong chiến dịch chống IS đó, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ lại nhằm vào lực lượng Đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) và yêu cầu họ rút lui khỏi thị trấn Manbij, Syria về bờ đông sông Euphrates.

Theo Jean Perier, động thái của Tổng thống Erdogan hoàn toàn có thể hiểu được: Ông muốn ngăn chặn người Kurd thành lập một nhà nước độc lập ở phía bắc Syria, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Wall Street Journal hôm 24/8 đưa tin về cuộc chiến tại Syria, trong đó đã nhấn mạnh YPG "là đại diện ủy nhiệm hiệu quả nhất của Washington trong cuộc chiến chống IS ở Syria".

Theo đó, các chiến binh thiểu số người Kurd, Ả Rập và Yazidi đang chiếm phần đông trong cuộc chiến này. Nếu không có họ, IS có thể đã chiếm được miền bắc Syria từ cách đây rất lâu, thậm chí có thể đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra quan điểm rõ ràng rằng người Kurd phải tuân theo yêu cầu rút lui về bờ đông sông Euphrates, nếu không Mỹ sẽ cắt đứt mọi hỗ trợ.

"Mặc dù trước đây người Kurd ở Syria đã từng được Washington sử dụng để đạt được mục đích của mình ở Trung Đông, họ đã trở thành con bài mặc cả mà Mỹ sẵn sàng hy sinh.

Một khi người Kurd hoàn thành vai trò của mình, lợi ích của họ dễ dàng bị Mỹ bỏ mặc, bởi Washington sẽ có lợi ích lớn hơn nếu khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ," Perier đánh giá.

Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động quân sự ở miền bắc Syria như thế nào khi không còn các chiến binh người Kurd YPG.

Chuyên gia về Trung Đông Leonid Isaev từ Trường cao học kinh tế (Nga) nói với tờ Svodobnaya Pressa:

"Mỹ đang gây áp lực buộc YPG rút khỏi Manbij, rất có thể miền bắc Syria sẽ bị chia thành các "khu vực ảnh hưởng" dưới ý đồ của Mỹ.

Điều quan trọng với Mỹ lúc này là ngăn chặn một cuộc xung đột quy mô lớn giữa các đồng minh trong khu vực.

Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục cân bằng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, đồng thời cố gắng duy trì quan hệ với cả hai"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại