Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin, chính phủ Mỹ hôm 25/9 vừa qua đã "tấn công" Trung Quốc trên mặt trận môi trường bằng một tuyên bố toàn diện dài 1.800 từ, trong đó liệt kê những vi phạm của quốc gia châu Á này.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố văn bản được gọi là "tờ thông tin" nói trên, nêu rõ những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của Trung Quốc như phát thải khí nhà kính, buôn lậu động vật hoang dã, đánh bắt cá trái phép và hàng loạt cáo buộc vi phạm khác vào ngày 25/9.
Văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ viết:
"Trong khi người dân Trung Quốc là đối tượng phải gánh chịu tác động môi trường nặng nề nhất do chính những hành động của họ, thì Bắc Kinh đồng thời cũng đang đe dọa nền kinh tế và sức khỏe của người dân toàn cầu khi tiếp tục các hành động khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên và coi thường tác động của chúng đối với môi trường, thể hiện trong các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường".
Đáng chú ý, động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc mở rộng quy mô các mục tiêu phát thải theo Thỏa thuận chung Paris, từng bước giảm đáng kể lượng khí thải carbon và phấn đấu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060.
Tuyên bố của ông Tập được đánh giá là nước cờ đáp trả táo bạo trước lời chỉ trích Bắc Kinh "ô nhiễm tràn lan" của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ.
Theo SCMP, nhà lãnh đạo Mỹ đã dành phần lớn thời lượng bài phát biểu của mình để lên án những hành động ảnh hưởng môi trường của Bắc Kinh, ví dụ như lời cáo buộc rằng Trung Quốc đã xả "hàng triệu, hàng triệu tấn" rác ra đại dương, đánh bắt quá mức và gây ô nhiễm nguồn không khí của thế giới.
Trong khi đó, kết quả khảo sát hồi tháng 4 của trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, hơn 2/3 số người Mỹ được hỏi cho rằng chính phủ của họ chưa hành động đủ trong các 3 vấn đề môi trường nổi cộm: giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ chất lượng không khí và bảo vệ chất lượng nước của sông, hồ và suối.
Với gần 30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất trong những nỗ lực hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu đã được các nước thống nhất trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, tuyên bố dài 1.800 từ của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đề cập tới việc Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính hàng năm nhiều nhất thế giới kể từ năm 2006, mà không đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: