Kiev đang tiếp nhận lô máy bay trực thăng do Nga sản xuất, mà Mỹ ban đầu dự định sẽ gửi cho Afghanistan. Trong ảnh, một chiếc Mi-17 cất cánh từ Sân bay Kabul, ngày 29/5/2013. Ảnh: US Army
Theo kênh RT (Nga), chính quyền Tổng thống Biden đã xúc tiến việc chuyển giao 5 máy bay trực thăng vận tải do Nga sản xuất cho Kiev, trong bối cảnh Washington nghi ngờ Moskva chuẩn bị “xâm lược” Ukraine bất cứ khi nào. Các máy bay trực thăng Mi-17 ban đầu được Mỹ mua của Nga để trang bị cho chính phủ Afghanistan, trước khi chế độ này sụp đổ trước Taliban vào tháng 8/2021.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 21/1 xác nhận rằng Quốc hội Mỹ đã được thông báo về động thái trên. Theo đó, các vũ khí trong chương trình Các Hạng mục Quốc phòng Dư thừa sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Trước đó, ngày 20/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đây là "vụ chuyển giao nhanh nhất từ trước đến nay" của chính phủ Mỹ.
Lô máy bay trực thăng Nga nói trên hiện đã ở Ukraine. Đây là những máy bay được quân đội Mỹ đặt mua với dự định gửi chúng đến Afghanistan cho đến khi kế hoạch bị phá vỡ bởi cuộc tiếp quản của phong trào Taliban.
Theo tờ Foreign Policy, tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov đã đề nghị Lầu Năm Góc trang bị cho Kiev số máy bay nói trên, cùng với số đạn dược vốn dự định chuyển gio cho quân đội Afghanistan.
Mỹ đã nhiều lần nhắc lại tuyên bố của Ukraine về một cuộc "xâm lược" sắp xảy ra của Nga kể từ tháng 11/2021, trong khi Moskva liên tục phủ nhận, khẳng định cáo buộc này là những thông tin giả, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc đàm phán với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Trực thăng Mi-17 được thiết kế vào cuối những năm 1970 như một bản nâng cấp của vận tải cơ Mi-8. Nó vẫn được gọi là Mi-8M trong biên chế của Nga, Mi-17 chỉ là định danh xuất khẩu của máy bay này. Hiện nay, Mi-17 vẫn đang được sản xuất tại nhà máy trực thăng ở Kazan, phía đông Moskva.
Lầu Năm Góc đã chi khoảng 648 triệu USD vào giữa năm 2010 để mua 30 chiếc trực thăng Mi-17 cho Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA), và yêu cầu Quốc hội cấp kinh phí cho 10 chiếc khác, nhưng cơ quan này bị chỉ trích vì không mua máy bay do Mỹ sản xuất.
Các quan chức quân sự Mỹ lập luận rằng Mi-17 được thiết kế phù hợp hơn vớiAfghanistan, người Afghanistan quen thuộc với nó hơn và máy bay của Nga dễ vận hành hơn so với những chiếc Blackhawk hoặc Hueys do Mỹ sản xuất.
Tờ Washington Post từng đưa tin vào tháng 6/2010 rằng quân đội Mỹ có kế hoạch mua thêm “hàng chục” chiếc Mi-17 cho ANA, cũng như trang bị một số chiếc cho Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt của Mỹ để giúp ngụy trang cho các nhiệm vụ bí mật. Theo tờ báo, giá của những chiếc trực thăng này đã được phía Nga nâng đến mức "cắt cổ".
Phần lớn vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Afghanistan đã bị Taliban chiếm đoạt vào năm ngoái, trong số đó có một số máy bay Mi-17, máy bay chiến đấu Mi-35 và thậm chí cả trực thăng Blackhawk do Mỹ sản xuất, cùng với loạt xe Hummvee, xe bọc thép và nhiều vũ khí cầm tay khác nhau.
Liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, ngày 21/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) về các vấn đề liên quan đến an ninh. Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết đối thoại giữa hai nước sẽ vẫn tiếp tục liên quan đến các đề xuất an ninh của Nga và Washington đã nhất trí phản hồi bằng văn bản về các đề xuất trên vào tuần tới. Ông hy vọng điều này có thể giúp hạ nhiệt phần nào căng thẳng tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định Moskva không gây bất kỳ đe dọa nào đối với nước láng giềng.
Ngoại trưởng Lavrov đánh giá cuộc đối thoại kéo dài 1 giờ rưỡi như kế hoạch với người đồng cấp Blinken cởi mở và hữu ích, đồng thời khẳng định Moskva không có kế hoạch tấn công Ukraine. Ông khẳng định Tổng thống Vladimir Putin luôn sẵn sàng tiếp xúc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, song bất kỳ cuộc tiếp xúc nào cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra "thẳng thắn và thực chất". Theo ông, phía Mỹ đã đưa ra một số đề xuất tăng cường an ninh và những vấn đề mà hai bên có thể tìm thấy điểm chung.