Trong hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã thống trị thị trường ngô quốc tế, vận chuyển nhiều loại cây trồng quan trọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác để cung cấp thức ăn cho vật nuôi trên thế giới, lấp đầy kho dự trữ và sản xuất thực phẩm chế biến.
Tuy nhiên, trong năm thu hoạch kết thúc vào ngày 31/8, Mỹ đã mất ngôi vương về xuất khẩu ngô vào tay Brazil, và Mỹ có thể không bao giờ lấy lại được vị trí này.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, vào năm thu hoạch 2023, Mỹ sẽ chiếm khoảng 23% xuất khẩu ngô toàn cầu, thấp hơn nhiều so với mức gần 32% của Brazil. Brazil được cho là đang giữ vững vị trí dẫn đầu trong năm trồng trọt 2024, bắt đầu từ ngày 1/9.
Kể từ thời chính quyền Tổng thống Kennedy, nước Mỹ chỉ 1 lần mất vị trí số một về xuất khẩu ngô vào năm 2013 sau một đợt hạn hán tàn khốc. Nhưng ngay năm sau đó, Mỹ đã lấy lại vị trí độc tôn này. Ngành xuất khẩu ngô của Mỹ trước đây chưa bao giờ trải qua hai năm liên tiếp ở vị trí thứ hai cho đến tận ngày nay.
Thị phần xuất khẩu ngô của các quốc gia.
Theo Bloomberg, một loạt yếu tố đằng sau sự thay đổi này là chi phí gia tăng và tình trạng thiếu đất nông nghiệp rộng mở, những tác động kéo dài của cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, đồng đô la Mỹ mạnh lên. Hiện nay, Mỹ chiếm khoảng 1/3 lượng xuất khẩu đậu tương toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Về lúa mì, Mỹ hiện đang đứng ở vị trí thứ năm, với thị phần toàn cầu ở mức một con số.
Đồng tiền Brazil yếu đã giúp ngành xuất khẩu ngô của Brazil chiếm thế thượng phong trong mùa vụ này, giá thị trường của Brazil thấp hơn Mỹ 75 cent/giạ.
Được biết, Brazil hiện đang nâng cấp các cảng và cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách về hậu cần trước đó. Với khí hậu ấm hơn, Brazil cũng có hai vụ thu hoạch ngô mỗi năm thay vì một, mang lại lợi thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia hàng đầu khác như Mỹ. Ngay cả khi ngành ngô của Mỹ giành lại vị trí xuất khẩu hàng đầu trong một hoặc hai năm trong thời gian tới, nhưng với tất cả những trở ngại trên thị trường toàn cầu so với Brazil, ngành này khó có thể giành lại ngôi vương về lâu dài.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng nhập lượng lớn ngô từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Brazil đứng top 1. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 7 tháng năm 2023 đạt gần 4,28 triệu tấn, trị giá trên 1,4 tỷ USD, giá trung bình 328 USD/tấn, giảm 16,8% về lượng, giảm 23,4% kim ngạch và giảm 7,9% về giá so với 7 tháng năm 2022.
Brazil là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2023, chiếm 32,3% trong tổng lượng và chiếm 32,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 1,38 triệu tấn, tương đương gần 459,87 triệu USD, giá 333,4 USD/tấn, tăng mạnh 257,2% về lượng, tăng 259,9% kim ngạch và tăng 0,8% về giá so với 7 tháng năm 2022.
Thị trường lớn thứ 2 là Argentina, trong 7 tháng năm 2023 đạt 1,38 triệu tấn, tương đương 451,67 triệu USD, giá 326,4 USD/tấn, chiếm 32,4% trong tổng lượng và chiếm 32,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm 56,6% về lượng, giảm 60,8% về kim ngạch và giá giảm 9,8% so với 7 tháng năm 2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ 7 tháng năm 2023 đạt 1,13 triệu tấn, tương đương 349,78 triệu USD, giá 310,4 USD/tấn, chiếm 26,3% trong tổng lượng và chiếm 24,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 77,2% về lượng, tăng 68,3% về kim ngạch, nhưng giá giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam là một trong gần 30 nước trồng ngô lớn nhất trên toàn cầu nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới. Ngô cùng với đậu tương được nhập khẩu để phục vụ mục đích chăn nuôi gia súc và thủy sản.