"Cơn địa chấn kinh tế" mà đại dịch do virus corona gây ra có thể sẽ kích loạt một làn sóng các doanh nghiệp lâm vào cảnh kiệt sức và phá sản ở cấp độ mà nước Mỹ chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây.
Các lệnh yêu cầu ở trong nhà và đóng cửa những hoạt động kinh doanh không thiết yếu khiến nhiều phần của kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái hoang mang, chấm dứt thời kỳ huy hoàng kéo dài với các thị trường tài chính liên tục tăng điểm và nguồn vốn giá rẻ dồi dào.
Đối với những ngành vốn đã gặp khó khăn trước cả khi khủng hoảng diễn ra như năng lượng và bán lẻ, đại dịch đẩy nhiều công ty đến bên bờ vực. Một loạt công ty tìm kiếm bảo hộ phá sản theo Chapter 11, trong khi J.C. Penny và Neiman Marcus được dự báo sẽ sớm lâm vào tình trạng này.
Còn đối với ô tô, du lịch và nghỉ dưỡng, thậm chí là y tế – những ngành đang phát triển tốt trong thời kỳ trước, áp lực đang ngày càng lớn dần.
Theo S&P Global Ratings, số lượng nợ doanh nghiệp Mỹ bị hạ mức xếp hạng xuống vỡ nợ có chọn lọc (tức người đi vay không thể đáp ứng một hoặc nhiều hơn các nghĩa vụ trả nợ) đã lên đến 64,1 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào ngày 17/4. Con số chỉ tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 1 nhưng được dự báo sẽ tăng vọt mà theo S&P là sẽ vượt ngưỡng 340 tỷ USD của thời điểm khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm.
Các công ty ở mọi ngành đang phải vật lộn để tránh rơi vào tình cảnh đau lòng là tái cấu trúc vốn, vỡ nợ hoặc phá sản. Không ít đã phải sử dụng hết hạn mức tín dụng và cắt giảm chi phí. Theo số liệu của Goldman Sachs, từ đầu tháng 3 đến ngày 9/4 các công ty Mỹ đã rút khoảng 230 tỷ USD khỏi hạn mức tín dụng quay vòng. Khoảng 17% đi vào ngành ô tô, 15% cho ngành bán lẻ và 10% cho các công ty thuộc ngành du lịch, nghỉ dưỡng.
Khi đã dùng hết hạn mức tín dụng, một số công ty như Carnival Corp., Expedia Group Inc. và Airbnb Inc thì phát hành cổ phần hoặc nợ mới cho nhà đầu tư đại chúng hoặc các quỹ tư nhân. Đầu tháng 4, Carnival bán 4 tỷ USD trái phiếu được bảo lãnh bằng những tài sản như du thuyền. Sử dụng cách này, công ty sẽ khó huy động vốn trên thị trường hơn nếu như cần huy động thêm tiền mặt.
Như mọi cuộc khủng hoảng khác, bối cảnh hiện nay là thời cơ thích hợp để các quỹ tư nhân với khoảng 2.000 tỷ USD tiền mặt dư thừa tìm kiếm cơ hội "mua đứt bán đoạn" những công ty đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn tiềm lực tài chính nằm trong tay những quỹ lớn nhất, và vận mệnh của các công ty sẽ được quyết định bởi việc các ông chủ có sẵn sàng bơm thêm vốn ở thời điểm tương lai bất định như hiện nay hay không.
Những "phao cứu sinh" này có thể giúp các doanh nghiệp cầm cự cho đến khi tình hình cải thiện. Nhưng nếu nền kinh tế suy thoái sâu hơn dự tính, rất có thể nửa cuối năm nay Mỹ sẽ chứng kiến làn sóng tái cấu trúc doanh nghiệp thứ hai. Lần này thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều vì các doanh nghiệp phải gánh thêm nợ.