Mỹ có muốn hai miền Triều Tiên thống nhất không?

PGS. TS Nguyễn Trung Kiên (Học viện An ninh nhân dân) |

Việc bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tầm ảnh hưởng và hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Ngày 27/4/2018 đã đi vào lịch sử của Hàn Quốc và Triều Tiên khi hai nhà lãnh đạo cấp cao của 2 nước gặp nhau, đưa ra tuyên bố chung là sẽ chấm dứt chiến tranh vào cuối năm nay và đàm phán theo lộ trình để có thể tiến tới phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên, hòa bình, phát triển ổn định và thống nhất hai miền.

Đấy là mong muốn của hai quốc gia, hai dân tộc cùng chung dòng máu bị chiến tranh chia cắt thành hai miền. Vậy còn nước Mỹ thì sao? Liệu nước Mỹ có muốn Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất hay xóa bỏ đường ranh giới ở vĩ tuyến 38 hay không?

Dựa trên những dữ kiện lịch sử và bối cảnh hiện tại, sau đây là một số lí do cho thấy Mỹ có thể sẽ không muốn Hàn - Triều thống nhất:

1. Mỹ là quốc gia có lịch sử thâu tóm quyền lực trên thế giới

Trong lịch sử, Mỹ từng nhiều lần đưa ra những đề xuất nhằm chia cắt hết nước này đến nước khác, sau đây là một số ví dụ:

- Năm 1945, Hồng Quân Liên Xô giải phóng nước Đức, mặc dù cùng phe đồng minh nhưng ngay lập tức Mỹ đã đề nghị chia đôi nước Đức.

- Năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trên đà giành thắng lợi thì Mỹ ngấm ngầm ủng hộ Tưởng Giới Thạch chia cắt Trung Quốc, ngăn chặn việc Trung Quốc giải phóng Đài Loan.

- Năm 1953, chiến tranh Triều Tiên tạm dứt, Mỹ đề xuất chia đôi bán đảo Triều Tiên ở vĩ tuyến 38, Mỹ hỗ trợ, giúp đỡ và hiện diện ở Hàn Quốc kể từ đó đến nay.

- Năm 1954, khi đàm phán Hiệp định Geneve khôi phục hòa bình ở Đông Dương, Mỹ đề xuất chia đôi hai miền Nam - Bắc của Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Mỹ đã hỗ trợ và giúp đỡ chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam.

Hiện tại, Mỹ cũng đang muốn chia cắt Syria thành hai miền sau khi thất bại trong việc trợ giúp các lực lượng đối lập ở Syria lật đổ Tổng thống Assad.

2. Mỹ có thể sẽ không muốn rút quân khỏi Hàn Quốc 

Nếu Hàn Quốc và Triều Tiên đàm phán thống nhất đất nước thì một trong các điều khoản bắt buộc sẽ là Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. 

Đây là điều Mỹ không mong muốn, vì quân đội Mỹ hiện diện ở Hàn Quốc ngoài mục đích răn đe Triều Tiên, hỗ trợ quân đội Hàn Quốc khi cần thì một mục đích khác không kém phần quan trọng đó là ứng phó với Trung Quốc khi cần thiết. Nếu Mỹ rút quân, Trung Quốc sẽ là đối tượng đầu tiên thu lợi lớn khi tháo bỏ được một cái gai khó chịu trong suốt 65 năm qua. 

Trong trường hợp này, Mỹ sẽ yếu thế ở khu vực Đông Á, khi có các sự cố về quân sự cần thị uy, việc điều quân đội Mỹ từ các khu vực khác đến đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đương nhiên nước Mỹ sẽ không muốn điều đó!

Hành trình tới bàn đàm phán của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

3. Mỹ sẽ không còn lí do để điều chuyển các vũ khí chiến lược đến khu vực Đông Á

Trước đây, Mỹ luôn lấy lí do kiềm chế, phòng ngừa hoạt động manh động của Triều Tiên để lắp đặt lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc, tập trận chung với Hàn Quốc, Nhật Bản, vận chuyển các vũ khí chiến lược, tàu ngầm, tàu sân bay, khu trục hạm đến khu vực Đông Á, nhưng thực ra là để thể hiện vai trò nước lớn của mình và răn đe, kiềm chế Trung Quốc.

Nếu Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất, Mỹ sẽ chẳng còn lí do gì để vận chuyển các vũ khí chiến lược về khu vực này cả, và như thế, Mỹ sẽ để trống một phần trận địa tại khu vực Đông Á. Và đương nhiên Mỹ cũng không hề muốn điều này!

4. Ai sẽ lãnh đạo đất nước Triều Tiên thống nhất?

Việc Mỹ áp đặt các giá trị của mình đối với người Triều Tiên chắc chắn sẽ không hề đơn giản như việc nước này áp đặt các giá trị của họ đối với người Hàn Quốc từ trước đến nay.

Bản thân người dân Triều Tiên chưa thể thích Mỹ, thân Mỹ ngay được, trong khi tâm lý chống Mỹ trong người dân Triều Tiên vẫn còn rất lớn. Tâm lý đó sẽ lan tỏa và âm ỉ trong cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến sức mạnh mềm của Mỹ trong một đất nước Triều Tiên thống nhất. Nước Mỹ chắc chắn cũng không hề muốn điều này!

5. Đất nước Triều Tiên thống nhất sẽ thân thiện hơn với Nga, Trung Quốc

Một đất nước Triều Tiên thống nhất sẽ thân thiện hơn với Trung Quốc, với Nga, và quan hệ với hai đối tác này được tăng cường về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự.

Nếu điều đó xảy ra, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với đất nước Triều Tiên thống nhất sẽ giảm đi rất nhiều, việc thúc đẩy và áp đặt các giá trị Mỹ cũng sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, khi xuất khẩu vũ khí, tập trận chung giảm đi, lợi nhuận thu được về tay Mỹ sẽ ít hơn trước, và đây cũng là điều Mỹ không bao giờ mong muốn!

Vậy nên, mặc dù lên tiếng ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thống nhất, phi hạt nhân, nhưng mục đích chính của Mỹ chỉ là phi hạt nhân để có thể đe dọa Triều Tiên bất kỳ lúc nào, còn một Triều Tiên thống nhất thì chắc rằng nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ không hề mong muốn điều ấy xảy ra.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Gặp người Triều Tiên ở Hà Nội: Ôi vui lắm, sắp thống nhất rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại