Mỹ có ‘động thái lạ’ với Nord Stream 2

Thanh Bình |

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với ông Matthias Warnig, người đứng đầu Nord Stream 2 AG, công ty đang chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với ông Matthias Warnig, người đứng đầu Nord Stream 2 AG, công ty đang chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).

Thông tin được cổng thông tin Axios trích dẫn các nguồn tin cho biết hôm 18/5.

Theo đó, nguồn tin cho hay: “Chính quyền ông Biden sẽ hoãn lại các biện pháp trừng phạt đối với công ty và giám đốc điều hành của công ty đang giám sát việc đặt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga dẫn tới Đức”.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Axios, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ sớm gửi một báo cáo lên Quốc hội về vấn đề đường ống dẫn khí, trong đó liệt kê những cấu trúc cần áp đặt các biện pháp trừng phạt. Theo cổng thông tin này, Bộ Ngoại giao xếp công ty Nord Stream 2 AG và người lãnh đạo công ty là Matthias Warnig vào danh sách này.

Mỹ phản đối Nord Stream 2 và cho rằng dự án sẽ hủy hoại an ninh châu Âu và khiến châu lục này phụ thuộc nhiều hơn vào Nga. (Ảnh: RIA)

“Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cho phép loại trừ họ khỏi danh sách các đối tượng áp đặt lệnh trừng phạt, căn cứ vào lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”, Axios cho biết.

Cũng theo Axios, cách tiềm năng duy nhất để ngăn chặn việc thực hiện dự án Nord Stream 2 là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Đức với tư cách là nước tiêu thụ khí đốt cuối cùng. “Song chính quyền ông Biden lại không muốn cắt đứt quan hệ với Đức vì Nord Stream 2”, Axios nhận định.

Các nguồn tin cho biết thêm rằng, chính phủ Mỹ vẫn tập trung vào việc ngăn chặn việc đưa vào vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Mỹ vẫn giữ quan điểm “cứng rắn” với Nord Stream 2

“Mỹ phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói về quan điểm của Washington đối với Nord Stream 2 trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 18/5.

“Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để chống lại những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại an ninh tập thể. Trong bối cảnh này chúng tôi phản đối đường ống Nord Stream 2”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, ông Blinken nói rằng Mỹ muốn có một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Nga.

Đức đánh giá tình hình việc hoàn thành Nord Stream 2

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier mới đây cho biết, việc xây dựng Nord Stream 2 có được hoàn thành hay không, có thể được quyết định trong 12 tháng tới. Ông lưu ý rằng thời gian phụ thuộc chủ yếu vào các nhà thầu thi công.

Theo ông Altmaier, chính phủ Đức cho đến nay đã vượt qua thành công “mọi sự leo thang có thể xảy ra và xung đột đối với Nord Stream 2”.

‘Tất nhiên, tôi không phải là một kỹ sư, và những vấn đề mà chúng tôi gặp phải bây giờ không phải là thiếu giấy phép, nhiều giấy phép đã được cấp không chỉ ở Đức mà còn ở các nước Scandinavia”, ông Altmaier nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Altmaier nhấn mạnh, một mặt Nord Stream 2 là một dự án tư nhân - thương mại, nhưng mặt khác đây là dự án rất gắn liền với những thách thức và vấn đề chính trị.

“Do đó, điều rất quan trọng đối với tôi là song song với sự phát triển của Nord Stream 2, chúng tôi cũng đảm bảo việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Chúng tôi đã thông qua một gói thỏa thuận chung cách đây hai năm vào năm 2019 và tôi tin rằng tất cả các bên cũng nên tuân thủ nghĩa vụ của mình”, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức kết luận.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma quốc gia Nga Pavel Zavalny, triển vọng hợp tác kinh tế và năng lượng giữa Nga và Đức trong khuôn khổ chuyển đổi năng lượng sẽ phụ thuộc phần lớn vào số phận của Nord Stream 2.

Ông Zavalny nhấn mạnh, sự chuyển đổi năng lượng một cách khách quan tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển hợp tác kinh tế và năng lượng giữa Nga và Đức.

Tuy nhiên, theo ông Zavalny, để các liên minh và dự án cùng có lợi diễn ra các đối tác phải tôn trọng cũng như tin tưởng lẫn nhau, điều này ngày nay đang bị xói mòn liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị.

Theo Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma quốc gia Nga, trong bối cảnh hạt nhân và than đá bị loại bỏ, dự kiến ​​ngừng xuất khẩu khí đốt từ Hà Lan, sự suy giảm sản lượng khí nói chung ở châu Âu, Đức và các nước khác sẽ cần tăng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga ít nhất trong hai thập kỷ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại