Mỹ chuẩn bị công bố 1 chính sách, vì sao 140 doanh nghiệp Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó khăn?

Minh Hằng |

Chính sách mới này của Mỹ có thể gây ảnh hưởng to lớn tới một ngành công nghiệp tỷ USD của Trung Quốc.

Đó là ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo nguồn tin của Reuters , Mỹ sắp công bố chính sách mới nhằm kiểm soát lần thứ ba với ngành bán dẫn Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ sẽ tiến hành hạn chế xuất khẩu sản phẩm cho 140 công ty của Trung Quốc. Danh sách mới nhất bao gồm 20 doanh nghiệp bán dẫn, 2 công ty đầu tư và hơn 100 nhà sản xuất máy công cụ để là chip. Theo Reuters , các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải xin giấy phép đặc biệt nếu như muốn bán hàng cho những công ty trong danh sách hạn chế này.

Những sản phẩm bán dẫn bị siết chặt, bao gồm chip bộ nhớ băng thông cao (HBM), thứ cần thiết cho các ứng dụng huyến luyện về trí tuệ nhân tạo; 24 máy công cụ và 3 phần mềm dùng trong sản xuất chip. Việc siết chặt này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều công ty lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip, chẳng hạn như Naura Technology, Piotech hay SiCarrier Technology.

Ngoài ra, Mỹ sẽ áp dụng lệnh kiểm soát mới đối với các thiết bị sản xuất chip được sản xuất ở các quốc gia như Singapore, Malaysia. Hơn nữa, quy định mới cũng sẽ mở rộng quyền kiểm soát đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip do những doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sản xuất sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, như Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Như vậy, Mỹ sẽ có thẩm quyền để quản lý các mặt hàng có chứa chip của quốc gia này ngay cả khi chúng được sản xuất ở nước ngoài.

 - Ảnh 1.

Mỹ sắp siết chặt xuất khẩu sản phẩm với ngành công nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Đặc biệt, Mỹ cũng sẽ tiến hành hạn chế các lô hàng chip nhớ tiên tiến như HBM 2, do các doanh nghiệp như Samsung, SK Hynix và Micron sản xuất. Do đó, Tập đoàn Samsung dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quy định này.

Một số doanh nghiệp cũng bị đưa vào danh sách này, chẳng hạn như Swaysure Technology, Qingdao SiEn và Shenzhen Pensun Technology.

Kìm hãm tham vọng chip của Trung Quốc

Kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt lớn thứ ba đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc được coi là một trong những nỗ lực quy mô lớn cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden để kìm hãm tham vọng chip của quốc gia tỷ dân.

Trước đó, từ tháng 10/2022, Mỹ đã tung hàng loạt biện pháp để kiểm soát việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc. Mỹ lo ngại rằng các dòng chip này có thể giúp Trung Quốc nâng cấp sử dụng trí tuệ nhân tạo trong mục đích quân sự hoặc đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. Đây cũng được coi là sự thay đổi chính sách công nghệ lớn nhất của Mỹ tới Trung Quốc, kể từ những năm 1990.

Việc áp đặt lệnh trừng phạt này diễn ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Trong khi đó, ông Trump được dự báo là sẽ giữ nguyên các chính sách mạnh tay của ông Biden với Trung Quốc.

 - Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc liên tiếp chịu nhiều sức ép và khó khăn trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia khác. Ảnh: SCMP

Trên thực tế, Trung Quốc luôn phản ứng mạnh mẽ trước các động thái hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Đồng thời, Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty nội địa và thúc đẩy khả năng tự cung cấp công nghệ.

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc tăng cường sự tự chủ ngành bán dẫn, nhất là khi bị Mỹ và nhiều nước khác siết xuất khẩu sản phẩm liên quan. Dù vậy, các công ty ngành chip của Trung Quốc vẫn xếp sau những doanh nghiệp hàng đầu như Nvidia (Mỹ) hay ASML (Hà Lan). Nvidia hiện đứng đầu trong mảng chip phục vụ các hoạt động liên quan đến trí tuệ nhân tạo, trong khi ASML đang gần như là nhà cung cấp duy nhất về máy quang khắc tiên tiến để sản xuất chip.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giới công nghệ Trung Quốc "nín thở" chờ đợi kết quả cuối cùng. Họ không đưa ra dự đoán, bởi trước đó việc Tổng thống Joe Biden tăng những hạn chế về công nghệ đã làm tiêu tan đi hy vọng của các doanh nghiệp Trung Quốc khi cho rằng ông sẽ nhẹ nhàng hơn so với người tiền nhiệm.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đầu tư hơn 150 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip, trong đó bao gồm một quỹ đầu tư trị giá 47 tỷ USD được công bố vào tháng 5 năm nay, để hỗ trợ mở rộng các nhà máy bán dẫn.

  Bài tham khảo nguồn: Reuters, The New York Times, SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại