Đài Sputnik dẫn lời ông Lavrov cho biết Nga có bằng chứng cho thấy Mỹ lên kế hoạch duy trì lực lượng triển khai ở Syria vô thời hạn và sẽ hỏi trực tiếp Washington về điều này.
"Chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau gần đây. Hiện chúng tôi chưa thể xác nhận và muốn hỏi trực tiếp người Mỹ. Có thể họ đang đưa ra quyết định không bao giờ rời khỏi Syria, thậm chí đến mức phá hủy quốc gia này" - ông Lavrov phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Mohammad Hanif Atmar hôm 26-2.
Bình luận về cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các căn cứ dân quân "do Iran hậu thuẫn" ở miền Đông Syria tối 25-2, ông Lavrov nói phía Mỹ chỉ cảnh báo cho quân đội Nga vài phút trước khi thực hiện vụ tấn công.
"Quân đội của chúng tôi nhận được cảnh báo trước 4 hoặc 5 phút. Tất nhiên, ngay cả khi chúng tôi đang nói về việc chia sẻ thông tin, theo thông lệ trong quan hệ giữa quân nhân Nga và Mỹ, đây chỉ là một kiểu thông báo khi vụ tấn công đang diễn ra" - ông Lavrov phàn nàn.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng lên án việc Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Syria bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về hòa giải ở Syria.
Ông Lavrov còn chỉ trích Washington về nỗ lực gây áp lực với các quốc gia khác nhằm ngăn chặn viện trợ nhân đạo cho Syria và cản trở nỗ lực tái thiết tại đây.
"Họ tiếp tục chơi con bài ly khai. Họ tiếp tục phong tỏa, sử dụng đòn bẩy gây áp lực lên các quốc gia khác cũng như bất kỳ nguồn cung cấp nào kể cả viện trợ nhân đạo. Đồng thời, họ khai thác trái phép tài nguyên hydrocarbon của Syria" - ông Lavrov cáo buộc.
Cũng theo ông Lavrov, ngoài kênh liên kết giữa quân đội với quân đội, Moscow xem việc nối lại các liên hệ giữa Nga - Mỹ về Syria ở cấp độ chính trị - ngoại giao là rất quan trọng. Ông hy vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm thành lập các nhóm để thảo luận về mục đích này.
Những bình luận được ông Lavrov đưa ra sau khi Mỹ thực hiện cuộc không kích đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden vào lãnh thổ Syria tối 25-2.
Vụ tấn công nhắm vào lực lượng dân quân "được Iran hậu thuẫn", bị Washington đổ lỗi đứng sau một loạt vụ tấn công chống lại các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở nước láng giềng của Syria là Iraq. Trong số này có tấn công bằng rốc-két vào một căn cứ không quân của Mỹ ở Erbil - Iraq hôm 15-2.