Mỹ cho khai thác dầu khí ở khu bảo tồn Bắc Cực: Có thành thảm họa môi trường?

Thành An |

Mỏ dầu trên cạn lớn nhất chưa được khai thác ở Bắc Mỹ được cho là nằm bên dưới đồng bằng ven biển Beaufort, Alaska. Mới đây, Chính phú Mỹ đã công bố kế hoạch nhằm dọn đường cho các hoạt động khai thác.

Tiềm năng kinh tế

Ngày 25/6 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch cuối cùng nhằm mở cửa Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia, gần Khu Bảo tồn Động - Thực vật hoang dã Quốc gia tại Alaska, Bắc Cực cho mục đích khai thác dầu mỏ. Đây sẽ lần đầu tiên ngành công nghiệp năng lượng lớn nhất thế giới được tiếp cận với vùng đất hoang sơ này.

Cụ thể hơn, bản kế hoạch sẽ cho phép các công ty dầu khí khai thác trên 1,56 triệu hecta đất, trên tổng số 19 triệu hecta của khu dự trữ. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ khu vực đồng bằng ven biển sẽ được mở ra cho ngành năng lượng. Phương án này được coi là cực đoan nhất trong ba lựa chọn được Bộ Nội vụ xem xét.

Mỹ cho khai thác dầu khí ở khu bảo tồn Bắc Cực: Có thành thảm họa môi trường? - Ảnh 1.

Mỹ phát hiện một trữ lượng dầu lớn ở ngoài khơi phía Bắc bang Alaska.

Trên thực tế, kế hoạch này đã là một giấc mơ từ lâu của những thành viên đảng Cộng hòa, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Alaska - Lisa Murkowski, người đã lập luận rằng dầu mỏ chính là chìa khóa cho sự độc lập năng lượng của Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, đảng Dân chủ và các nhà môi trường đã chiến đấu và thành công trong việc ngăn chặn khu vực hoang dã được mở cửa. Phải đến khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, mong ước của bà Murkowski mới dần được hiện thực hóa.

Vào năm 2017, bà đã bổ sung một điều khoản vào dự luật cắt giảm thuế GOP, yêu cầu Bộ Nội vụ cho phép việc thuê đất khoan dầu khí trên 1,5 triệu hecta tại vùng đồng bằng ven biển phía Bắc Alaska. Điều luật này cũng bắt buộc Bộ Nội vụ phải giảm giá thuê đất ít nhất hai lần cho đến năm 2025.

Mỹ cho khai thác dầu khí ở khu bảo tồn Bắc Cực: Có thành thảm họa môi trường? - Ảnh 2.

Dự luật dầu khí mới đây dấy lên lo ngại về tác hại môi trường tại Alaska.

Trong ngày bản kế hoạch được công bố, bà Murkowski đã gọi đây là một bước tiến quan trọng. Những người ủng hộ bà cũng lập luận rằng nguồn thu từ dầu mỏ sẽ mở rộng Kho bạc liên bang và hồi sinh nền kinh tế Alaska đang gặp khó khăn.

Theo dự đoán ban đầu, lợi nhuận từ mỏ dầu trong khu vực dự trữ sẽ tạo ra 1,8 tỷ USD cho chính phủ liên bang vào năm 2027. Nhưng kể từ đó, các dự đoán về lợi nhuận đã được thay đổi đáng kể.

Một phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội được công bố vào tháng 6 ước tính chính phủ sẽ chỉ kiếm được khoảng 900 triệu USD, bằng một nửa số tiền mà Nhà Trắng đã thông báo trước đó.

Theo Washington Post, bản kế hoạch trên chỉ là một bước đi đầu tiên trong quá trình đẩy mạnh hoạt động thăm dò và sản xuất ngoài khơi cũng như bên trong Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia, nằm về phía Tây của khu bảo tồn.

Vấn đề này tiếp tục dấy lên những tranh luận về việc thực chất có bao nhiêu dầu nằm bên dưới khu bảo tồn, và liệu lợi nhuận kiếm được có đủ để bù đắp cho các thiệt hại về môi trường hay không, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang dần tiến tới mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Đe dọa tới môi trường

Mỹ cho khai thác dầu khí ở khu bảo tồn Bắc Cực: Có thành thảm họa môi trường? - Ảnh 3.

Công viên quốc gia Glacier Bay, một di sản văn hóa của UNESCO.

Khu Bảo tồn Động - Thực vật hoang dã Quốc gia là nhà của nhiều đàn tuần lộc, gấu Bắc Cực, chó sói, bò rừng, cùng nhiều loài chim di cư. Mặc dù nằm tách biệt với Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại về mức độ ảnh hưởng tới môi trường của việc khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực.

Đối phó với những ý kiến trái chiều, chính quyền của Tổng thống Trump đang trên đà hoàn thành đánh giá tác động môi trường, nhưng chỉ trong một nửa thời gian so với thông thường, theo Washington Post.

Một bản báo cáo thậm chí ngắn hơn về hậu quả của các thí nghiệm địa chất được cho là sắp hoàn thành. Trong vài tháng, những chiếc xe tải nặng tới 45 tấn có thể sẽ được cho phép tiến hành các cuộc thử nghiệm trên lãnh nguyên nhằm xác định trữ lượng dầu.

"Thật không may, các tuyên bố tác động môi trường giả mạo này đã bỏ qua nhiều bằng chứng khoa học cho thấy những rủi ro chưa từng có đối với động vật hoang dã, và những hệ quả sẽ xảy ra do việc khai thác dầu mỏ ở khu vực đồng bằng ven biển", ông Collin O’Mara, Chủ tịch Liên đoàn Động vật hoang dã Quốc gia cho biết: "Người dân Alaska, các bộ lạc và các nhà bảo tồn đều đồng ý rằng đây là cách tiếp cận sai lầm".

Trong nhiều năm, đảng Dân chủ (Hạ viện) đã làm việc để bãi bỏ ủy thác của quốc hội cho phép khai thác dầu khí trong khu dự trữ. Cùng ngày với thông báo của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Hạ viện đã thông qua dự luật loại bỏ nhiều điều khoản giảm giá cho thuê đất khai thác, mặc dù đó là một cử chỉ mang tính biểu tượng, chủ yếu vì nó khó có thể được Thượng viện thông qua.

"Đạo luật Bảo vệ Văn hóa và Khu vực Đồng bằng Ven biển Bắc Cực phản ánh một đề xuất rất đơn giản: Có một số nơi quá hoang dã, quá quan trọng và quá độc đáo để bị phá hỏng bởi sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí", dân biểu bang California, Jared Huffman - tác giả của dự luật bên phía Hạ viện cho biết: "Khu Bảo tồn Đồng bằng Ven biển Bắc Cực là một trong những nơi đặc biệt như thế".

Các tài liệu trong bản kế hoạch được công bố xác nhận rằng, việc phát triển khai thác trong khu vực sẽ dẫn đến sự gia tăng lượng khí nhà kính, nguyên chính dẫn tới biến đổi khí hậu. Theo The Guardian, con số này có thể nằm ở mức 0,7 triệu đến 5 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với hơn một triệu xe ô tô mới được sử dụng.

Trung tâm Đa dạng Sinh học, một tổ chức vì môi trường có nhiều bất đồng với chính quyền, gọi kế hoạch này là một thảm họa.

"Khoan giếng dầu và khí đốt ở Tây Bắc Cực sẽ gây nguy hiểm vô cùng lớn cho động vật hoang dã, vốn đã và đang bị bao vây từ cuộc khủng hoảng khí hậu", ông Kristen Monsell - một luật sư của nhóm cho biết.

Theo CNN, Washington Post, Guardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại