Mỹ chính thức ra lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Thiên Hà |

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ xấu thêm sau khi Mỹ quyết định trừng phạt hai bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắt giữ một mục sư người Mỹ.

Nhà Trắng ngày 1.8 thông báo rằng Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm thẳng vào Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu là hai người đóng vai trò chính trong vụ bắt giữ mục sư Andrew Craig Brunson, 50 tuổi. Vì vậy, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết chính quyền Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai ông này.

Andrew Brunson, mục sư tại một nhà thờ Tin Lành ở thành phố Aegean tỉnh Izmir, hiện là trung tâm căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tuần trước, ông Brunson đã được tại ngoại, quản thúc tại gia sau gần 2 năm bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã tức giận khi ông Brunson không được cho phép rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp những lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chính quyền của ông sẽ không dừng hành động của mình và sẽ "đi theo con đường riêng của mình" chứ không nghe theo lời Mỹ.

"Chúng tôi sẽ không đáp ứng trước bất kỳ lời đe dọa theo kiểu này", ông Erdogan tuyên bố với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, hồi tuần trước nói rằng mục Brunson là "nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo". Đáp lại, ông Erdogan nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có "vấn đề dù là nhỏ nhất chống lại các dân tộc thiểu số".

Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được ủng hộ bởi những lãnh đạo tôn giáo thiểu số của nước này như Chính thống giáo Hy Lạp, Do Thái giáo, Công giáo khi họ đã ký vào một tuyên bố chung ngày 1.8, phủ nhận rằng chính quyền áp bức tôn giáo.

"Chúng tôi thực hành đức tin và thờ phượng của chúng tôi theo truyền thống của chúng tôi một cách tự do", tuyên bố chung khẳng định.

Ông Brunson có thể sẽ bị phạt 35 năm tù giam nếu tòa kết án ông có liên quan đến hai nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, là phong trào hồi giáo của giáo sĩ Fethullah Gulen, người hiện đang tị nạn tại Mỹ - bị cáo buộc là chỉ huy của cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016) và đảng Công nhân người Kurd PKK. Mục sư Brunson cũng bị buộc tội gián điệp vì mục đích chính trị hoặc quân sự.

Brunson bác bỏ tất cả những cáo buộc chống lại ông, trong khi các quan chức Mỹ nói rằng ông vô tội và muốn Thổ Nhĩ Kỳ thả ông ngay lập tức.

Ngày 31.7, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã bác đơn kiến nghị đòi thả tự do cho ông Brunson do luật sư của ông trình lên. Phiên xử mục sư người Mỹ tiếp theo sẽ được thực hiện vào ngày 12.10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại