Bầu cử Mỹ: Xảy ra sự cố với máy kiểm phiếu ở bang chiến trường quan trọng nhất, ông Trump lên tiếng

Ban Quốc tế |

Nước Mỹ đã chính thức bước vào Ngày Bầu cử với điểm bỏ phiếu đầu tiên mở ngay sau nửa đêm ở thị trấn nhỏ Dixville Notch, New Hampshire.

Nước Mỹ đã chính thức bước vào Ngày Bầu cử 5/11 với 2 ứng cử viên: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng viên của Đảng Cộng hòa và đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng viên của Đảng Dân chủ.

Thông tin mới nhất sẽ được cập nhật phía trên đầu bài. Mời quý độc giả theo dõi.

Ông Trump lên tiếng về sự cố máy kiểm phiếu ở Pennsylvania

Ông Trump lên tiếng về sự cố máy kiểm phiếu ở Pennsylvania

Theo RT (Nga), cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng với những sự cố xảy ra với máy kiểm phiếu ở bang Pennsylvania, các phiếu bầu có thể sẽ phải mất 2-3 ngày mới được kiểm đếm.

Ông Trump và phu nhân Melinda đã đi bỏ phiếu tại West Palm Beach, bang Florida. Cựu Tổng thống cho biết ông "rất tự tin" vào một chiến thắng cách biệt trước bà Kamala Harris.

Ứng viên đảng Cộng hòa thừa nhận rằng kết quả bầu cử có khả năng chưa thể được xác định ngay vào tối ngày 5/11 (giờ miền Đông), đồng thời phàn nàn về thời gian thực hiện công tác kiểm phiếu chậm chạp dù "họ đã chi tất cả tiền vào máy móc".

Ông nói với các phóng viên rằng ông "rất vinh dự" khi biết rằng những hàng người xếp hàng rất dài. "Đây là chiến dịch tốt nhất", ông nói, bổ sung rằng đảng Cộng hòa "đã xuất hiện với lực lượng hùng hậu".

"Tôi nghe nói chúng tôi đang làm rất tốt", ông Trump nói.

Được hỏi về khả năng cả ông và bà Kamala Harris đều không đạt được 270 phiếu đại cử tri vào cuối đêm nay, ông Donald Trump cho biết: "Một điều như thế không bao giờ nên xảy ra”.

Khi được hỏi liệu ông có khuyên những người ủng hộ mình không sử dụng bạo lực không, ông Trump nói với các phóng viên ở Florida rằng những người ủng hộ ông "không phải là những người bạo lực”.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 1.

Ông Donald Trump cùng phu nhân Melinda phát biểu với các phóng viên khi bỏ phiếu tại Trung tâm giải trí Mandel ở Palm Beach, Florida, ngày 5/11 (Ảnh: REUTERS/Brian Snyder)

Một số điểm bỏ phiếu tại Pennsylvania xảy ra “sự cố phần mềm”

Thời gian bỏ phiếu tại Quận Cambria, bang chiến trường Pennsylvania kéo dài sau khi xảy ra "sự cố phần mềm" làm gián đoạn quá trình quét phiếu.

Theo CNN, một sự cố phần mềm đã xảy ra tại hạt Cambria, bang Pennsylvania, Văn phòng Ủy viên hạt cho biết hôm 5/11.

Hội đồng đã đệ đơn lên Tòa án gia hạn thời gian bỏ phiếu trong hạt Cambria. Các chuyên gia công nghệ thông tin đã được gọi đến để xem xét sự cố. Tất cả các lá phiếu đã hoàn thành sẽ được Hội đồng Bầu cử chấp nhận, bảo mật và kiểm đếm, tuyên bố từ Văn phòng Ủy viên hạt cho hay.

Người phát ngôn cơ quan phụ trách bầu cử Pennsylvania Matt Heckel cho biết đang làm việc với các quan chức của hạt để giải quyết vấn đề này, đồng thời cam kết đảm bảo một cuộc bầu cử tự do, công bằng, an toàn và bảo mật.

Các cử tri có thể tiếp tục bỏ phiếu bằng phiếu bầu bằng giấy, cơ quan hạt Cambria giải quyết vấn đề liên quan đến việc quét phiếu, ông Heckel cho biết.

Ở một diễn biến khác, sự cố với máy kiểm phiếu cũng được ghi nhận tại hạt Bedford, Pennsylvania, vào sáng sớm 5/11 - các viên chức bầu cử cho biết.

Trước khi mở cửa các điểm bỏ phiếu, Văn phòng Bầu cử hạt Bedford đã nhận được cuộc gọi từ một số khu vực bỏ phiếu trên khắp hạt về sự cố với máy kiểm phiếu. Văn phòng bầu cử hạt đã xác định được sự cố và cử các nhóm hỗ trợ đến để giải quyết vấn đề, theo tuyên bố của văn phòng bầu hạt.

Tuy nhiên, khả năng bỏ phiếu không bị ảnh hưởng và hiện tại tất cả các địa điểm đang được giải quyết, tuyên bố cho biết thêm.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 2.

Các cử tri nhận phiếu bầu của mình tại một điểm bỏ phiếu ở Springfield, Pennsylvania, ngày 5/11 (Ảnh: CNN)

Thời gian đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu

Các điểm bỏ phiếu đầu tiên sẽ đóng cửa lúc 18h ngày 5/11, giờ địa phương (tức 6h sáng ngày 6/11 theo giờ Việt Nam), tại các bang Indiana và Kentucky.

Vào lúc 19h, các cuộc bỏ phiếu sẽ khép lại tại Georgia, Nam Carolina, Vermont, Virginia, một số khu vực của Florida và phần còn lại của Indiana và Kentucky.

Ba mươi phút sau, vào lúc 19h30 theo giờ miền Đông, các cuộc bỏ phiếu ở Bắc Carolina, Ohio và Tây Virginia sẽ đóng cửa.

Vào lúc 20h, các cuộc bỏ phiếu sẽ đóng cửa tại Alabama, Connecticut, Delaware, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Quận Columbia, Mississippi, New Hampshire, New Jersey, Oklahoma, Pennsylvania, Rhode Island, Tennessee, Missouri, một số khu vực của Michigan, Bắc Dakota, Nam Dakota và Texas, và toàn bộ Florida.

Vào lúc 21h, các cuộc bỏ phiếu sẽ đóng cửa tại Arkansas, cũng như Arizona, Colorado, Iowa, Kansas, Louisiana, Michigan, Minnesota, Nebraska, New Mexico, New York, Wisconsin, Wyoming, toàn bộ Texas, Michigan, Nam Dakota và Bắc Dakota.

Vào lúc 22h, các cuộc bỏ phiếu tại Montana, Nevada và Utah sẽ đóng cửa. Sau đó 1 tiếng, các điểm bỏ phiếu ở California sẽ đóng cửa, cũng như Idaho, Oregon và Washington.

Vào lúc nửa đêm, các điểm bỏ phiếu ở Hawaii sẽ đóng cửa và cuối cùng, vào lúc 1 giờ sáng ngày 6/11 là các điểm bỏ phiếu ở Alaksa.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 3.

Phó Tổng thống Kamala Harris Harris phát biểu trong buổi vận động bế mạc chiến dịch tranh cử của bà tại chân tượng đài "Rocky Steps" tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 5/11 (Ảnh: CNN)

Đảng Dân chủ gặp thách thức lớn để giữ thế đa số ở Thượng viện

Song song với cuộc bầu cử tổng thống, 34 ghế cũng đang được tranh giành trong ngày hôm nay tại cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ.

Hiện tại, đảng Dân chủ nắm giữ đa số mong manh nhưng họ có đến 23 ghế phải tái tranh cử so với chỉ 11 ghế của đảng Cộng hòa, đẩy đảng Dân chủ vào thách thức lớn hơn để bảo vệ thế đa số. Điều này bao gồm việc phải chiến thắng một số cuộc đua sát nút trên khắp các bang chiến trường.

Theo Al Jazeera, hai trong số những cơ hội tốt nhất để đảng Dân chủ giành được thêm ghế tại Thượng viện là ở Texas và Florida, nơi các Thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm Ted Cruz và Rick Scott sẽ phải tái tranh cử.

Theo công cụ tổng hợp thăm dò của RealClearPolitics, ông Cruz của bang Texas dẫn trước đối thủ đảng Dân chủ Colin Allred 4,4%. Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott dẫn trước đối thủ đảng Dân chủ Debbie Mucarsel-Powell 4,6%.

Khôi phục "phòng chiến tranh" của ông Trump

Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng trả lời CBS rằng "phòng chiến tranh" khét tiếng của ông Trump sẽ được khôi phục tại Khách sạn Willard ở Washington DC vào đêm bầu cử.

Các thành viên chủ chốt của chiến dịch tranh cử của ông Trump, bao gồm cả Bannon, đã có mặt tại khách sạn vào ngày 6/1/2021, khi cuộc bạo loạn ở Điện Capitol diễn ra gần đó.

"Phòng chiến tranh" có những mục tiêu cụ thể: giúp gây áp lực buộc phó tổng thống Mike Pence khi đó từ chối công nhận chiến thắng của ông Biden.

"Không giống như năm 2020, lần này chúng tôi sẽ đảm bảo chiến thắng của ông Trump", Bannon nói với CBS ngày 5/11/2024.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 4.

Mọi người xếp hàng để bỏ phiếu bên ngoài một trạm bỏ phiếu ở Philadelphia, bang Pennsylvania vào Ngày bầu cử 5/11/2024. (Ảnh: MATTHEW HATCHER / AFP)

Các ứng viên theo dõi kết quả bầu cử ở đâu?

Ông Donald Trump dự kiến sẽ bỏ phiếu trực tiếp tại Florida.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ theo dõi kết quả bầu cử tại West Palm Beach, bang Florida. Cảnh sát địa phương, mật vụ đã xuất hiện tại Palm Beach, Florida để đảm bảo an ninh cho cựu Tổng thống.

Theo chiến dịch tranh cử của bà Harris, Thống đốc Tim Walz, phó tướng của bà Harris cùng vợ là Gwen Walz sẽ tham gia một sự kiện tại Harrisburg, bang Pennsylvania.

Vào buổi tối, chiến dịch tranh cử của Harris-Walz dự kiến sẽ theo dõi tại Đại học Howard ở Washington DC, trường cũ của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Theo CNN, Tổng thống Joe Biden sẽ theo dõi kết quả bầu cử từ Nhà Trắng cùng với đệ nhất phu nhân Jill Biden, các trợ lý lâu năm và các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng.

Ứng cử viên phó tổng thống đảng Cộng hòa JD Vance đã đến điểm bỏ phiếu ở Cincinnati vào khoảng 9 giờ sáng, giờ địa phương, để bỏ phiếu.

"Tôi cảm thấy rất tốt về cuộc đua này. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp với Tổng thống Trump và tôi", ông Vance nói sau khi bỏ phiếu.

Kết quả tại các bang dao động trong các kỳ bầu cử trước

Georgia, Nevada, Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, North Carolina và Arizona là 7 bang dao động được dự đoán sẽ phân định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Trong số các bang dao động, "bức tường xanh" của đảng Dân chủ bao gồm Pennsylvania, Wisconsin và Michigan, được coi là chốt chặn chiến thắng của đảng Dân chủ.

Pennsylvania, Wisconsin và Michigan đều là các "bang xanh" đáng tin cậy khi các ứng viên Dân chủ đều thắng ở đây trong tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống từ năm 1992 đến 2012, cho đến khi ông Trump có cú "ngược dòng" nổi tiếng vào năm 2016 khi những cử tri thuộc tầng lớp lao động ở các bang Rust Belt có xu hướng thiên về cánh hữu. Đến cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đã giành lại cả 3 bang này.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 5.

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại Grand Rapids, bang Michigan, ngay sau nửa đêm ngày 5/11 (Ảnh: CNN)

Trong khi đó, Nevada dao động khá thường xuyên trong quá khứ nhưng đã chuyển sang màu xanh kể từ năm 2008.

Georgia, North Carolina và Arizona đều là các "bang đỏ" nhưng đã "ngả xanh" trong những năm gần đây. Năm 2016, bà Hillary Clinton giành chiến thắng tại Georgia vào năm 2016 và giành chiến thắng sít sao tại North Carolina và Arizona. Năm 2020, ông Biden đã giành chiến thắng tại Arizona và Georgia, trong khi ông Trump vẫn giữ được North Carolina.

Theo cuộc thăm dò gần đây của Fox News, bà Harris dẫn trước 1 điểm ở Arizona và 2 điểm ở Georgia và Nevada, trong khi ông Trump vẫn dẫn trước 1 điểm ở North Carolina. Tại Wisconsin, bà Harris dẫn trước ông Trump 4 điểm, 2 điểm ở Pennsylvania trong khi hai ứng viên hòa nhau ở Michigan.

Hơn 80 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm

Theo The Guardian, trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa chính thức sáng 5/11, 82 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Trong đó, gần 45 triệu người bỏ phiếu sớm trực tiếp và khoảng 38 triệu người bỏ phiếu sớm qua thư, theo Election Lab, Đại học Florida.

Trang Livemint cho hay, khoảng 160 triệu cử tri dự kiến sẽ đi bầu trong ngày 5/11. Người thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ lãnh đạo đất nước hơn 330 triệu dân trong 4 năm tiếp theo, song cuộc đua gần như sẽ chỉ được quyết định bởi khoảng vài chục nghìn cử tri tại các bang chiến trường.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 6.

Các nhân viên bầu cử chuẩn bị phiếu bầu qua thư để kiểm đếm tại Trung tâm xử lý phiếu bầu của Quận Los Angeles ở City of Industry, bang California, ngày 4/11 (Ảnh: CNN)

Kết quả thăm dò giờ chót về cán cân cuộc đua Trump-Harris

Theo USA Today, Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump 4 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò toàn quốc cuối cùng do Marist công bố vào ngày 4/11, một ngày trước Ngày bầu cử.

Cuộc thăm dò do NPR và PBS tài trợ với 1.297 cử tri tiềm năng cho thấy 51% số người được hỏi ủng hộ bà Harris và 47% ủng hộ ông Trump. 2% còn lại ủng hộ ứng cử viên của đảng thứ ba.

Thăm dò cũng cho thấy bà Harris đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với ông Trump ở nhóm cử tri nam giới, trong khi ông Trump rút ngắn cách biệt với đối thủ ở nhóm cử tri phụ nữ.

Cuộc thăm dò của Marist/PBS/NPR là cuộc thăm dò mới nhất cho thấy động lực của cử tri thay đổi vào phút chót hướng về bà Harris. Các cuộc thăm dò toàn quốc khác cho thấy cuộc đua rất sít sao.

Thêm điểm bỏ phiếu ở nhiều bang mở cửa

Tính đến 8h sáng (theo giờ miền Đông, tức 20h theo giờ Việt Nam) ngày 5/11, các điểm bỏ phiếu tiếp tục được mở cửa tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ, bao gồm: Arizona, Iowa, Louisiana, Minnesota, South Dakota, North Dakota, Oklahoma, Texas, Wisconsin, Alabama, Delaware, Washington DC, Florida, Georgia, Illinois, Kansas, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, Tennessee,...

Kết quả cuộc đua Hạ viện Mỹ có thể quyết định chỉ bằng 1 ghế chênh lệch

Reuters dẫn lời các nhà phân tích phi đảng phái cho biết quyền kiểm soát lưỡng viện có thể đảo ngược trong cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ. Đảng Cộng hòa có cơ hội lớn giành lại Thượng viện, nơi đảng Dân chủ đang nắm giữ đa số (51/49). Nhưng đảng Cộng hòa cũng có thể mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ chỉ cần giành thêm 4 ghế để giành lại thế đa số.

Erin Covey, người phân tích các cuộc đua vào Hạ viện, cho biết: "Cuộc đua vô cùng gay cấn". Các cử tri dường như không ưu ái đảng nào hơn trong cuộc đua lần này.

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng 10 cho thấy 43% cử tri đã đăng ký sẽ ủng hộ ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong khu vực của họ, 43% sẽ ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 7.

Hàng dài cử tri xếp hàng để bỏ phiếu bên ngoài khu vực bỏ phiếu đặt tại Loyal Order of the Moose Lodge ở Wilmington, bang Bắc Carolina, mở cửa đúng 6h30 sáng 5/11 (theo giờ miền Đông). Ảnh: CNN

Trong khi đó, một dự báo của The Hill/Decision Desk HQ cho rằng Đảng Cộng hòa có 52% cơ hội bảo toàn thế đa số ở Hạ viện.

Sabato’s Crystal Ball, trang dự báo bầu cử có tiếng ở Mỹ, thì cho rằng kết quả cuộc đua ở Hạ viện có thể chỉ quyết định bởi 1 phiếu chênh lệch.

"Cũng giống như cuộc đua Tổng thống, cuộc đua ở Hạ viện gần như là sít sao trong suốt quá trình," các lãnh đạo của Sabato’s Crystal Ball nêu trong báo cáo đăng tải ngày 4/11.

"Niềm tin chung của chúng tôi trong suốt thời gian qua là bên thắng cuộc đua tổng thống và Hạ viện có nhiều khả năng sẽ giống nhau", báo cáo nêu.

"Xếp hạng cuối cùng của chúng tôi phản ánh điều này, nhưng chỉ ở mức chênh lệch nhỏ nhất có thể và rất không chắc chắn. Chúng tôi có 218 ghế Hạ viện Chắc chắn, Có khả năng hoặc Có khuynh hướng nghiêng phề Đảng Dân chủ, và 217 ghế Chắc chắn, Có khả năng hoặc Có khuynh hướng ngả về Đảng Cộng hòa."

Mỹ bắt đầu mở cửa các điểm bỏ phiếu khắp đất nước

Hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, nhưng hôm nay, 5/11 mới là Ngày Bầu cử chính thức của nước Mỹ. Ngoại trừ thành phố Dixville Notch ở New Hampshire được ưu tiên mở cửa sớm nhất ngay sau nửa đêm, thì các điểm bỏ phiếu khác trên khắp nước Mỹ bắt đầu mở cửa từ 6h00 sáng (theo giờ miền Đông).

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 8.

Cử tri Mỹ đi bầu cử. Ảnh: REUTERS/Carlos Osorio

Giờ mở cửa của các điểm bỏ phiếu tùy thuộc vào địa điểm. 

Trong đó, các khu vực có điểm bỏ phiếu mở cửa sớm nhất, từ 6h00 bao gồm: Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New Hampshire, New Jersey, New York và Virginia.  

538 phiếu đại cử tri của 2024 được phân bổ ra sao?

Đại cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri đại diện cho tất cả 50 tiểu bang và Quận Columbia.

Mỗi tiểu bang có từ 3 đến 54 phiếu đại cử tri. Số lượng cử tri của một tiểu bang được xác định bằng cách cộng tổng số Thượng nghị sĩ và Dân biểu của tiểu bang đó. Một ứng cử viên cần đa số phiếu đại cử tri – 270 phiếu – để chiến thắng.

Hầu hết các bang đều áp dụng quy tắc "người thắng lấy hết", tức là ứng viên nào có số phiếu bầu phổ thông cao hơn thì sẽ có toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chỉ có duy nhất 2 bang Maine và Nebraska cho phép chia tách phiếu bầu.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 9.

Ông Trump yêu cầu công bố người chiến thắng ngay đêm bầu cử

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump yêu cầu sớm công bố kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, rất khó để nước Mỹ có thể công bố kết quả ngay đêm 5/11 do các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa cho tới tận 23h00 (giờ miền Đông) và một số nhà lập pháp ở Pennsylvania và Wisconsin áp dụng luật trì hoãn kiểm phiếu.

Nhóm cử tri Gen-Z trong bầu cử 2024

Kamala Harris và Donald Trump đều nhắm tới các cử tri Gen-Z khi họ vận động trước cuộc bầu cử. Đây là lần bỏ phiếu đầu tiên của nhiều người trong nhóm cử tri này. Tạp chí Columbia của Đại học Columbia chỉ ra rằng Gen-Z chiếm hơn 40 triệu cử tri, bao gồm cả 8 triệu cử tri mới. 

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 10.

Nhiều cử tri Gen-Z sẽ lần đầu đi bầu cử trong cuộc bỏ phiếu lần này. Ảnh: Whitney Curtis / The New York Times

Và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với những cử tri này không thể bị đánh giá thấp. Theo Aidan Kohn-Murphy, người sáng lập nhóm vận động Gen-Z for Change chia sẻ với CNN rằng TikTok đã lan tỏa thông tin cho nhiều người trẻ về các ứng cử viên tổng thống và chiến dịch của họ.

Các vấn đề then chốt đối với cử tri trẻ ở Mỹ là "khí hậu, quyền sinh sản, bạo lực súng đạn và sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel, Kohn-Murphy cho biết.

Đối đầu ở 7 bang chiến địa

5/11 là ngày quyết định đối với cuộc đua vào Nhà Trắng và quyền kiểm soát Quốc hội. Để xác định được kết quả cuối cùng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần.

Hiện tại, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang hy vọng giành chiến thắng ở 7 bang chiến địa: Michigan, Pennsylvania và Wisconsin - 3 bang thuộc khu vực Đại Hồ, "bức tường xanh" mà ông Trump đã phá vỡ vào năm 2016 nhưng được Tổng thống Joe Biden giành lấy vào năm 2020, và Arizona, Georgia, Nevada, Bắc Carolina - 4 bang chiến trường thuộc khu vực Vành đai Rỉ sét.

Dù ông Trump hay bà Harris đắc cử thì cuộc bầu cử năm nay cũng sẽ là 1 sự kiện lịch sử, mang tính quyết định với nhiều vấn đề. 

Hai ứng viên kết thúc chiến dịch với sắc thái khác nhau

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã kết thúc chiến dịch tranh cử của mình hôm 4/11 với những sắc thái hoàn toàn khác biệt.

New York Times (NYT) cho hay, Cựu tổng thống Trump có vẻ kiệt sức tại các hội trường không kín chỗ, tuyên bố rằng đất nước đang trên bờ vực của sự đổ vỡ, trong khi Phó tổng thống Harris hứa hẹn một tương lai đoàn kết hơn giữa tiếng hô vang của những người ủng hộ.

Ông Trump lần 3 chọn chặng dừng chân cuối tại Grand Rapids

Cựu Tổng thống Donald Trump đã chọn điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình vận động tranh cử là Grand Rapids, Michigan. Bước lên sân khấu, ông Trump gửi lời chào đặc biệt đến thành phố này, nơi đã diễn ra các cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông trong 2 chiến dịch trước đây vào năm 2016 và 2020.

"Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đến Grand Rapids, nơi vô cùng đặc biệt, còn nhớ năm 2016 không?", ông Trump nói trước đám đông hò reo.

Bên trong sân vận động Van Andel, ông Trump nói với hàng nghìn người ủng hộ rằng: "Nếu thắng tại Michigan, chúng ta sẽ thắng chung cuộc".

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 11.

Ông Trump bước lên sân khấu ở Grand Rapids vào thời điểm quá nửa đêm và tiếp tục phát biểu tới hơn 2 giờ sáng.

Trong bài phát biểu, cựu tổng thống Mỹ giữ phong cách quen thuộc khi công kích các đối thủ chính trị của mình, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Về các cam kết, ông đưa ra những hứa hẹn lớn lao về lợi ích kinh tế mà ông sẽ mang lại cho nước Mỹ thông qua động thái áp thuế đối với phụ tùng ô tô nước ngoài và tăng cường khoan dầu, khai thác khí đốt. 

Ông Trump tuyên bố sẽ siết chặt chính sách nhập cư của Mỹ và kêu gọi "án tử hình cho bất kỳ người nhập cư nào giết hại công dân Mỹ".

Ngoài ra, ông cũng đưa ra một số cảnh báo về kế hoạch kinh tế của bà Harris, dự đoán rằng bà sẽ tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 12.

Ông Donald Trump tại buổi vận động cuối cùng ở Grand Rapids. Ảnh: Kamil Krzaczynski/AFP/Getty Images

Grand Rapids là một thành phố ở Tây Michigan thuộc hạt Kent. Thành phố này đã chuyển từ bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016 sang bỏ phiếu cho ông Joe Biden vào năm 2020.

Thông điệp cuối của bà Harris khi dừng chân ở Philadelphia

Phát biểu tại buổi vận động cuối cùng ở Philadelphia đêm 4/11, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết đội ngũ của bà đang "lạc quan và hứng thú". Bà kêu gọi cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu của mình, để tiếng nói của mình được lắng nghe, và khẳng định Pennsylvania có thể "quyết định kết quả" của cuộc bầu cử.

"Cuộc đua vẫn chưa kết thúc, và chúng ta phải hoàn thành một cách mạnh mẽ. Đây có thể là một trong những cuộc đua sít sao nhất trong lịch sử. Mọi phiếu bầu đều quan trọng", bà Kamala Harris nói.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 13.

"Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi, chúng tôi vẫn còn việc phải làm, và như bạn đã nghe tôi nói trước đây, chúng tôi thích làm việc chăm chỉ", bà Harris nói thêm.

Phó Tổng thống Mỹ tái khẳng định một số lời hứa trong chiến dịch của mình như giảm chi phí sinh hoạt, nhà ở, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già tại nhà, và thuế cho người lao động cũng như doanh nghiệp nhỏ. Bà cũng cam kết sẽ thông qua dự luật để khôi phục quyền tự do sinh sản.

Mỹ khởi động Ngày Bầu cử: Ông Trump, bà Harris hòa 3-3 tại Dixville Notch

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã giành được 3 phiếu bầu mỗi người tại thị trấn nhỏ Dixville Notch ở New Hampshire, điểm bỏ phiếu khởi động Ngày Bầu cử 5/11 của nước Mỹ, một trong những nơi đầu tiên kiểm phiếu và thông báo kết quả sớm nhất cả nước. 

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 14.

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã giành được 3 phiếu bầu mỗi người tại thị trấn nhỏ Dixville Notch ở New Hampshire. Ảnh: ABC News

Nằm dọc theo biên giới Mỹ-Canada ở đầu phía bắc của New Hampshire, Dixville Notch đã mở và đóng cửa điểm bỏ phiếu ngay sau nửa đêm (giờ miền Đông) theo một truyền thống có từ năm 1960. 

Theo truyền thống, tất cả cử tri đủ điều kiện có mặt tại khách sạn Balsams ở Dixville Notch để bỏ phiếu kín một khi điểm bỏ phiếu mở cửa vào lúc nửa đêm. Sau khi tất cả lá phiếu được bỏ, phiếu bầu được kiểm và kết quả được công bố - vài giờ trước bất cứ địa điểm nào khác.

Dưới đây là một số thông tin sơ lược về hai ứng viên:

KAMALA HARRIS

✤ Tuổi: 59

✤ Đảng: Dân chủ

✤ Kinh nghiệm trước đây: Harris tốt nghiệp Đại học California với bằng luật và hoạt động trong lĩnh vực tư pháp trước khi được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người phụ nữ da màu thứ hai và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên bước vào cơ quan này. Tháng 11/2020, bà trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và là người da màu đầu tiên giữ vị trí này.

✤ Hứa hẹn trong chiến dịch: Harris ủng hộ việc bảo vệ quyền phá thai, quyền của cộng đồng LGBT+ và các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Bà hứa hẹn giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng lương tối thiểu. Về an ninh đối ngoại, Harris cam kết sẽ đứng về phía các đồng minh của Mỹ và đảm bảo rằng "nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, thắng trong cuộc cạnh tranh cho thế kỷ 21".

DONALD TRUMP

✤ Tuổi: 78

✤ Đảng: Cộng hòa

✤ Kinh nghiệm trước đây: Trump tốt nghiệp Đại học Pennsylvania với bằng cử nhân kinh tế. Trước khi khởi động chiến dịch tổng thống thành công năm 2016 và trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Trump là một nhà phát triển bất động sản, doanh nhân và ngôi sao truyền hình thực tế với tư cách là người dẫn chương trình của "The Apprentice" .

✤ Hứa hẹn trong chiến dịch: Trump cho biết, nếu giành được thêm một nhiệm kỳ, ông sẽ cải tổ các nhóm chức năng chính của chính phủ liên bang, đảo ngược một số chính sách được áp dụng sau khi ông rời Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu và mạnh tay trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Ông cũng tuyên bố sẽ xử lý các đối thủ chính trị của mình và chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bầu cử Mỹ: Xảy ra “sự cố phần mềm” ở điểm bỏ phiếu tại bang chiến trường quan trọng nhất - Ảnh 15.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại