Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết xuất hiện "dấu hiệu rõ ràng" về việc có người đang lợi dụng tình trạng bất ổn ở Chile, bắt nguồn từ sự bất bình đẳng và chi phí sinh hoạt tăng cao và "làm sai lệch thông tin, gây tranh cãi thông qua việc sử dụng và lạm dụng phương tiện mạng xã hội".
Quan chức này nói rằng: "Chúng tôi đã thấy các dấu hiệu về hoạt động hỗ trợ của Nga cho sự tranh luận tiêu cực này".
Người biểu tình Chile né vòi ròng của lực lượng an ninh. Ảnh: Reuters
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài không phải là tác nhân duy nhất thổi bùng bạo lực gần đây, được nhìn thấy qua các vụ đốt xe buýt, các tòa nhà, hệ thống tàu điện ngầm của Santiago ngừng hoạt động và phần lớn thành phố bị đình trệ.
Nhưng theo quan chức này, Nga đã tìm cách làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, xung đột dữ dội và tất cả các hành động phá hoại những cuộc "tranh luận dân chủ có trách nhiệm".
Giới chức Chile chưa bình luận về tuyên bố từ phía Mỹ. Trước đó, Nga từng khẳng định không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Nhà Trắng trước đó cũng đưa ra tuyên bố về việc Tổng thống Donald Trump lên án những nỗ lực của nước ngoài nhằm làm suy yếu các thể chế, nền dân chủ, xã hội Chile.
Hai tuần qua, Chile đối mặt biểu tình bạo loạn buộc chính quyền Tổng thống Pinera hôm 30-10 đột ngột tuyên bố hủy tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới và một hội nghị về biến đổi khí hậu lớn để giải quyết các vấn đề trong nước.
Tình trạng bất ổn tại Chile đã bùng phát hai tuần qua. Ảnh: Reuters
Về phía Mỹ, ông Trump hôm 31-10 ủng hộ quyết định hủy tổ chức các sự kiện của ông Pinera bất chấp nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký một thỏa thuận thương mại ở Santiago trong tháng 11.
Các cuộc biểu tình phản đối tăng giá vé tàu điện ngầm đã vượt khỏi tầm kiểm soát trên khắp Chile gần hai tuần trước. Các vụ bạo loạn, đốt phá và cướp bóc đã khiến ít nhất 18 người chết và 7.000 người bị bắt giữ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Chile đã thiệt hại hơn 1,4 tỉ USD.