Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 3, trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ 2, phải) thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung tại Pyeongtaek, ngày 20/5/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo Al Jazeera, chất bán dẫn hiện là trung tâm của cạnh tranh Mỹ - Trung trên phương diện kinh tế và địa chính trị.
Tại nhà máy của Samsung, ông Biden phát biểu: “Chất bán dẫn tạo sức mạnh cho nền kinh tế của chúng ta và tạo điều kiện cho cuộc sống hiện đại, từ ô tô cho đến điện thoại thông minh và thiết bị chẩn đoán y tế”.
Nhưng vài tháng sau đó, bức tranh hợp tác đôi bên cùng có lợi đang trở nên rối rắm bởi các biện pháp của Mỹ nhằm khôi phục cơ sở sản xuất chất bán dẫn của riêng nước này cũng như việc cạnh tranh với Trung Quốc.
Ngay cả khi Mỹ cố gắng thu hút các đồng minh và đối tác châu Á tham gia vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc thì việc Washington hướng đến chủ nghĩa bảo hộ chất bán dẫn đã khiến các đồng minh lo ngại. Có đến 75% chất bán dẫn của Mỹ xuất phát từ Đông Á, điều đó cho thấy sự phụ thuộc khá lớn của Mỹ với khu vực về chất bán dẫn.
Ông G Dan Hutcheson tại công ty TechInsights có trụ sở ở Canada nhận định là các nền kinh tế này vốn phụ thuộc vào thương mại với nhau, do đó, có khả năng xảy ra kịch bản cạnh tranh liên quan đến chip buộc các quốc gia phải tìm đến đòn bẩy là kiềm chế xuất khẩu các thiết bị khác như điện tử hoặc thuốc, từ đó gây gián đoạn thương mại toàn cầu và các hàng hóa tiêu dùng.
Tổng thống Mỹ Biden từng nhấn mạnh về sự cần thiết của những biện pháp nâng cao sản xuất công nghệ cao trong nước, tạo ra việc làm và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Vào tháng 8/2022, Tổng thống Biden ký Đạo luật Khoa học và Chip cung cấp 52,7 tỷ USD cho nghiên cứu chất bán dẫn.
Đạo luật bao gồm các nội dung hướng đến ngăn cản các công ty xây dựng cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cũng như cấm các công ty Mỹ cung cấp thiết bị mà Trung Quốc có thể sử dụng để sản xuất chip tiên tiến.
Điều này gây nhiều thử thách với Hàn Quốc, Nhật Bản. Các công ty sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới là Samsung, SK Hynix (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) đều đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Về phần Nhật Bản, tính riêng năm 2022, nước này đã xuất khẩu hơn 1/3 thiết bị sản xuất đến Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Biden đã miễn trừ kiểm soát xuất khẩu để ưu tiên một số công ty như Samsung, TSMC, tuy nhiên, không rõ việc miễn trừ này sẽ kéo dài bao lâu. TSMC, Samsung và SK Hynix đều công bố kế hoạch đầu tư vào cơ sở mới tại Mỹ trong những tháng gần đây.
Ngày 4/1, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố nước này sẽ tăng khấu trừ thuế với đầu tư vào công nghệ cao, trong đó có chất bán dẫn, từ 8-15%.