Mỹ cảnh báo Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không có tiến triển nếu Nga tấn công Ukraine

Mai Trang |

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Dòng chảy phương Bắc 2, dự án đường ống dẫn khí đốt dưới biển từ Nga sang Đức, sẽ không có tiến triển nếu Nga tấn công Ukraine.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Ảnh: Reuters

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Ảnh: Reuters

Khi căng thẳng gia tăng về việc Nga xây dựng lực lượng quân đội ở biên giới với Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 26/1 cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang thảo luận với Đức để đảm bảo nước này có thể chịu được tổn thất liên quan đến đường ống dẫn khí.

“Tôi muốn nói rõ rằng nếu Nga tấn công Ukraine bằng bất kỳ cách nào, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không đạt được tiến triển. Tôi sẽ không nói chi tiết cụ thể về vấn đề này. Chúng tôi sẽ làm việc với Đức để đảm bảo dự án không thể tiến triển”, ông Price nói.

Emily Haber, đại sứ Đức tại Mỹ, ủng hộ lập trường trên trong bình luận đưa ra ngày 27/1. “Mỹ và Đức đã cùng tuyên bố vào năm 2021 rằng nếu Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí hoặc có hành vi vi phạm chủ quyền của Ukraine, Moscow sẽ phải trả giá rất đắt”, bà Haber viết trên Twitter.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Annalena Baerbock cũng đã nói rõ điều này. “Sẽ không có điều gì được xem xét, kể cả Dòng chảy phương Bắc 2”, bà Haber nói.

Các bình luận trên được đưa ra sau khi Mỹ nói rằng đã vạch ra con đường giải quyết các yêu cầu của Nga ở Đông Âu, trong khi Moscow tổ chức các cuộc đàm phán an ninh với các nước phương Tây và tiếp tục xây dựng quân đội.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, bỏ qua con đường vận chuyển truyền thống qua Ukraine thông qua một đường ống dọc theo biển Baltic. Hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU.

EU, Mỹ và Ukraine đã phản đối dự án này với lý do nó làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga và làm mất nguồn thu từ phí vận chuyển của Kiev.

Viễn cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt trong trường hợp xảy ra xung đột với Ukraine đã khiến chính quyền ông Biden bắt đầu đàm phán với các quốc gia sản xuất khí đốt trên toàn thế giới để đảm bảo nguồn cung cho châu Âu.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết các kế hoạch dự phòng đang được xem xét. Bên cạnh đó, Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Biden sẽ tiếp đón Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani vào ngày 30/1, với chương trình nghị sự bao gồm việc “đảm bảo sự ổn định của nguồn cung năng lượng toàn cầu”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại