Sau khi hàng loạt chính quyền các bang tại Mỹ thông báo cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền bang, Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua dự luật cấm sử dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang.
Quyết định cấm TikTok - một ứng dụng truyền thông được khoảng 1/3 dân số Mỹ sử dụng, nhưng thuộc về Tập đoàn ByteDante của Trung Quốc, sau hơn 2 năm đàm phán không thành công dường như là một nấc thang mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.
Quyết định không quá bất ngờ
Quyết định cấm cửa ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ Mỹ mặc dù không quá bất ngờ, nhưng lại đang gây ra một làn sóng tranh cãi mới về lý do cũng như mục đích chính của các lệnh cấm này. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ứng dụng này có khả năng truy cập các chi tiết như vị trí, danh bạ và lịch. Mặc dù một số dữ liệu mà TikTok thu thập cũng tương tự như một số nền tảng khác ví dụ như Google, Facebook…nhưng điểm khác biệt là TikTok thuộc sở hữu của một Tập đoàn Trung Quốc, quốc gia vốn đang bị Mỹ coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu.
Hạ viện Mỹ đã ra phán quyết cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Ảnh: AFP.
Sau khi Tổng thống Biden thu hồi sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm Donald Trump cấm TikTok tại Mỹ, hai bên bắt đầu đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận giải quyết các lo ngại về mặt an ninh của giới chức Mỹ. Về phía TikTok, tập đoàn này liên tục khẳng định với giới chức Mỹ rằng sẽ đảm bảo tính bảo mật, không thể truy cập các dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ cũng như không để một cá nhân, tổ chức nào chịu ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc có thể thao túng các nội dung trên nền tảng mạng xã hội này.
Cho đến nay, TikTok đã công bố một số biện pháp cụ thể, ví dụ như thỏa thuận lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ trên các máy chủ của hãng Oracle ở Mỹ và tại một đơn vị mới thành lập, gọi là Phòng bảo mật dữ liệu Mỹ (USDS) để giám sát quyết định kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu. TikTok được cho là đã chi tới 1,5 tỷ USD chi phí tuyển dụng và xây dựng đơn vị này. Hãng Oracle cũng sẽ là nơi chịu trách nhiệm giám sát các giao thức mà nhân viên TikTok có thể truy cập dữ liệu người dùng Mỹ.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cho đến thời điểm này dường như chưa mang lại kết quả tích cực nào. Việc đàm phán kéo dài và chưa có giải pháp tiềm năng có thể cũng là một lý do khiến giới chức chính quyền và quốc hội Mỹ cả cấp liên bang và cấp bang thúc đẩy các lệnh cấm sử dụng TikTok. Dường như TikTok cũng khó có thể tìm được giải pháp nào để có thể giải quyết xung đột với giới chức Mỹ, trong bối cảnh tâm lý đối phó với Trung Quốc đang gia tăng và thống nhất trong cả Quốc hội lẫn chính quyền Tổng thống Biden.
Động cơ chính trị hơn là nguy cơ an ninh thực sự
Theo các tuyên bố của giới chức Mỹ, việc cấm TikTok xuất phát từ các lý do đe dọa đến an ninh quốc gia và an toàn của người dân Mỹ. Ví dụ như có thể chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc, có nguy cơ trở thành phần mềm gián điệp theo dõi người dùng, đăng tải những thông tin sai lệch can thiệp nội bộ… Các cáo buộc này phần lớn xuất phát từ giới chức Mỹ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là trong đảng Cộng hòa. Cho đến nay, đã có khoảng 19 bang trên toàn nước Mỹ ban lệnh cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính quyền.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc giúp giảm thiểu nguy cơ an ninh, các lệnh cấm này cũng mang mục đích chính trị, vừa giúp Chính quyền Mỹ có thêm điểm cộng trong dư luận vừa nhằm định hướng dư luận trong việc thực thi chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Một số chuyên gia Mỹ nhận định, cho đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng cụ thể rõ ràng nào đối với các cáo buộc nhằm vào TikTok. Các tính năng của ứng dụng này, ví dụ như theo dõi vị trí là một tính năng tiêu chuẩn của ứng dụng mạng xã hội hoặc dự báo thời tiết chứ không phải là hoạt động gián điệp.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và gay gắt, lan rộng trên mọi lĩnh vực từ sản suất chip, trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ 5G, 6G, công nghệ sinh học… việc cấm TikTok hoặc hàng loạt các ứng dụng khác của các tập đoàn Trung Quốc như Huawei, ZTE, hay Tencent, Alibaba… là điều hoàn toàn dễ hiểu và sẽ có tiếp diễn trong thời gian tới.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng cố gắng vận động cấm TikTok ở Mỹ nhưng không thành công. Ảnh: AFP.
Nguy cơ Mỹ “cấm cửa” hoàn toàn TikTok
Có thể thấy rằng, các đạo luật mới được thông qua và đang đề xuất của Quốc hội Mỹ nhằm vào TikTok, có thể dẫn đến một lệnh cấm hoàn toàn đối với một trong số các nền tảng công nghệ lớn nhất thế giới, tại một trong những thị trường mang lại lợi nhuận lớn nhất hiện nay. Khả năng Chính quyền Mỹ ban hành một lệnh cấm hoàn toàn là có thể xảy ra nhưng không cao, ít nhất là trong ngắn hạn.
Về mặt chính sách, việc ban hành một lệnh cấm sẽ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về khoa học công nghệ. Động thái này có thể sẽ vấp phải phản ứng và các hành động trả đũa từ phía Trung Quốc với kết quả chưa thể dự đoán trước. Về mặt xã hội, với gần 1/3 dân số Mỹ đang dùng TikTok, đặc biệt là ở giới trẻ thì lệnh cấm vĩnh viễn sẽ trở thành một vấn đề mang tính chất chính trị, không ít các chuyên gia Mỹ đã tính đến hậu quả có thể là sự nổi dậy và phản kháng ngay trong lòng xã hội. Ngoài ra, việc ban hành một lệnh cấm hoàn toàn, cũng có thể khiến Chính quyền Tổng thống Biden có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện với cáo buộc quyết định này vi phạm hiến pháp Mỹ.
Trước đó, cuối năm 2020, Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm tải ứng dụng TikTok và một số nền tảng khác trên lãnh thổ Mỹ, nếu các công tỷ chủ quản không giải quyết được nguy cơ đe dọa an ninh, hoặc không bán lại cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, trong khi các bên đang thảo luận thì Chính quyền mới lên của Tổng thống Biden đã vô hiệu hóa các sắc lệnh này.
Trên thực tế, lệnh cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ không ảnh hưởng nhiều đến khoảng 130 triệu người dùng TikTok tại Mỹ. Vấn đề chính ở đây là các biện pháp này sẽ tác động đến hình ảnh của TikTok, thậm chí có thể tạo hiệu ứng dây chuyền, khiến một số đồng minh thân cận của Mỹ xem xét các lệnh cấm tương tự. Các lệnh cấm này có thể khiến TikTok mất đi danh tiếng và đặc biệt là các khoản thu khổng lồ từ quảng cáo và kinh doanh thương mại.
Như đã đánh giá ở trên, khả năng Chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm hoàn toàn sử dụng TikTok, bao gồm cả người dân, mặc dù không cao nhưng vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn, sẽ có khả năng Tập đoàn Trung Quốc ByteDance, công ty mẹ của TikTok thương lượng bán lại cho một công ty của Mỹ hoặc nước thứ ba. Nếu không thể tìm được giải pháp tháo gỡ và TikTok bị cấm hoàn toàn tại Mỹ, người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là các ứng dụng của Facebook, Youtube hay Snap.../.