Vụ bán vũ khí này bao gồm 7 hệ thống Patriot Configuration 3+ cùng radar, trạm kiểm soát, ăng-ten, dàn phóng và máy phát điện. Romania đặt mua Patriot từ tháng 4.
Ngày 11.7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã phê duyệt vụ bán Patriot, “để Romania có thể củng cố hệ thống phòng thủ và ngăn chặn những mối đe dọa trong khu vực. Thương vụ này sẽ tăng khả năng phòng thủ của quân đội Romania chống lại sự xâm lược và che chắn cho các đồng minh NATO thường di chuyển bằng xe lửa và hoạt động trong biên giới Romania”.
Quốc hội Mỹ có 30 ngày để phản đối. Tuy nhiên, sự phản đối này sẽ không xảy ra vì Romania là một thành viên NATO có vị trí địa lý chiến lược tiếp cận Biển Đen, nơi có Crimea đã được Nga sáp nhập năm 2014.
Trước đó vào ngày 10.7, lần đầu tiên Mỹ triển khai một hệ thống Patriot ở vùng biển Baltic, nơi mà Nga chiếm ưu thế về không quân.
Patriot được triển khai tạm thời tại căn cứ quân sự Siauliai (Litva) trong một cuộc trận trận chung Trobruk của NATO. Hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ được rút khi cuộc diễn tập quân sự này kết thúc ngày 22.7 tới, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Litva.
Cuộc tập trận NATO diễn ra trước cuộc tập trận Zapad 2017 của quân đội Nga - Belarus vào tháng 9 tới. NATO cho rằng sẽ có 100.000 quân Nga - Belarus tham gia ở vùng biên giới giáp Ba Lan và 3 nước vùng biển Baltic (Litva, Latvia và Estonia). Đây là hoạt động quân sự lớn nhất của Nga kể từ năm 2013.
3 nước vùng biển Baltic chỉ có tên lửa phòng không tầm ngắn, không thể bảo vệ không phận nếu như xảy ra sự cố thù địch. Họ càng lo ngại sự yếu thế này sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Năm 2016, Nga đã triển khai tên lửa Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad vốn nằm giữa Litva và Ba Lan, khiến các nước thành viên NATO trong vùng khó chịu. Để ngăn chặn Nga ở khu vực nóng này, Mỹ đã triển khai nhiều nhóm quân cùng với 1.000 quân chiến đấu của NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva, ông Raimondas Karoblis nói rằng việc triển khai Patriot là quan trọng, chứng minh đây không còn là điều cấm kỵ tại khu vực khi tên lửa này có thể đem đến bất kỳ nơi nào cần.
“Phòng không, gồm phòng thủ từ trên bộ, là một trong những khâu yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không xử lý được nếu không có sự giúp đỡ của đồng minh”.
Lá chắn tên lửa Patriot do công ty Raytheon sản xuất. Hãng này cho biết nó đã tham gia 200 chiến dịch chống máy bay có và không có người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Ba Lan cũng đã được chính phủ Mỹ đồng ý bán Patriot có cấu hình hiện đại nhất vào cuối năm 2017. Ba Lan đã ngỏ ý mua 8 hệ thống Patriot trị giá 7,6 tỉ USD, nhằm đối phó với việc Nga triển khai quân ở vùng biên giới các nước thành viên NATO.
Hiện có 13 nước dùng hệ thống này và Ba Lan sẽ là quốc gia thứ 14 trang bị Patriot.
Trước đây, Moscow đã lên tiếng phản đối Romania triển khai Patriot và nói rằng nó đe dọa an ninh Nga. Hồi tháng 5, Tổng thống Vladimir Putin cảnh cáo Nga sẽ phản ứng mạnh với việc Mỹ bán hệ thống phòng thủ tên lửa này cho Romania.
Tại một cuộc họp báo, lãnh đạo Nga tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phải tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ an ninh. Chúng tôi sẽ không hành động cho đến khi nào trông thấy tên lửa ở những vùng giáp với nước Nga. Chúng tôi đã luôn nhắc nhở rằng chúng tôi phải hành động. Không ai muốn nghe chúng tôi, không ai muốn thương lượng với chúng tôi”.