Mỹ - Ấn nhắm tới khí tài Nga và sóng gió thương mại

An Bình |

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ cố gắng làm dịu căng thẳng ngày càng tăng với Ấn Độ về thương mại, dòng chảy dữ liệu và vũ khí từ Nga trong chuyến thăm vào tuần tới.

Thay vào đó, ông Pompeo sẽ tập trung vào mối quan hệ chiến lược giữa hai cường quốc, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết.

Trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Ấn

Ông Pompeo sẽ đến New Delhi vào thứ ba tuần tới và có cuộc hội đàm nhằm đặt nền móng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra vào cuối tuần tới bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Ấn Độ đã rơi vào các tranh chấp với Hoa Kỳ về thuế quan, giới hạn giá của Ấn Độ đối với các thiết bị y tế nhập khẩu - hầu hết từ Hoa Kỳ và các quy tắc của Ấn Độ về thương mại điện tử - hiện đang áp đặt nhiều điều kiện đối với hoạt động của các đại gia Hoa Kỳ như Amazon và Walmart.

Reuters cho biết, một vấn đề khác cũng khiến Ấn Độ lo ngại là khả năng Hoa Kỳ hạn chế thị thực làm việc đối với các chuyên gia Ấn Độ để đáp trả việc Ấn Độ muốn lưu trữ dữ liệu của các công ty nước ngoài lớn tại nước này.

"Quan hệ thương mại Mỹ-Ấn Độ, ít nhất là giữa đồng tiền của chúng tôi, chắc chắn đang xấu đi. Cả hai chúng tôi đều có những nhà lãnh đạo nhìn vấn đề thương mại như một ván bài có tổng bằng 0", Richard Rossow, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Ấn tại Trung tâm Chiến lược & Nghiên cứu quốc tế tại Washington.

Chính phủ Ấn Độ do ông Modi lãnh đạo, người được bầu lại vào tháng trước với đa số phiếu bầu, nói rằng họ đã cố gắng đàm phán các giải pháp về những vấn đề bất đồng với Hoa Kỳ, nhưng, là một nước đang phát triển, họ phải bảo vệ lợi ích cho người dân của mình.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Ấn Độ vì mức thuế cao và tháng trước đã loại Delhi ra khỏi chương trình ưu đãi thương mại hàng thập kỷ.

Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết thương mại sẽ được nêu ra trong chuyến thăm của ông Pompeo nhưng hai nước vẫn có mối quan hệ chính trị và an ninh rộng lớn hơn.

"Sẽ có một số vấn đề nhất định giữa chúng tôi – những điều sẽ luôn được đề cập tại mọi thời điểm", quan chức này nói.

"Nhưng nó không nên làm mất đi tính toàn diện của mối quan hệ - điều đang mang tính tích cực."

Sóng gió về thương vụ "rồng lửa" S-400 Nga

Theo Reuters, cả hai nước đều cảnh giác với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm, ông Pompeo sẽ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.

Ấn Độ và Hoa Kỳ vẫn cảnh giác với nhau trong nhiều thập kỷ nghi ngại của thời Chiến tranh Lạnh, khi Ấn Độ gần gũi với Liên Xô hơn.

Nhưng Hoa Kỳ đã trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ trong thập kỷ qua, bán hơn 15 tỷ USD vũ khí, bao gồm nhiều khí tài như máy bay vận tải, khí tài săn tàu ngầm tầm xa và máy bay trực thăng hạng nặng.

Các tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ Lockheed Martin và Boeing đang trong cuộc đua giành hợp đồng chế tạo 110 máy bay chiến đấu trong một thỏa thuận ước tính trị giá 20 tỷ USD.

Năm 2016, Hoa Kỳ tuyên bố Ấn Độ là đối tác quốc phòng lớn, mở đường cho việc bán các thiết bị quân sự công nghệ cao. Động thái này được coi là một phần của chương trình thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng hiện tại, các diễn biến mới về kế hoạch Delhi mua các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật chống đối thủ bằng trừng phạt (CAATSA), theo đó, cấm mọi sự liên hệ của các quốc gia nước ngoài với Nga về vấn đề quốc phòng.

Ấn Độ, đã ký thỏa thuận với Nga năm ngoái, hy vọng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ từ bỏ khả năng áp đặt trừng phạt, nhưng điều này chưa xảy ra.

"Không có sự miễn trừ bao trùm hay miễn trừ cấp độ quốc gia khi nói đến S-400", Alice Wells – một quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ về khu vực Nam và Trung Á nói với Quốc hội trong tháng này. Bà cũng cho biết thêm rằng Hoa Kỳ có "mối quan ngại nghiêm trọng" về thương vụ vũ khí tiềm tàng của Ấn Độ.

"Chúng tôi đang tiếp tục cuộc đối thoại về cách Hoa Kỳ hoặc các nhà cung cấp quốc phòng khác có thể hỗ trợ Ấn Độ", bà Wells nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại