Mỹ - Ấn “âm thầm” bắt tay tạo “gọng kìm” đối trọng với Trung Quốc

Diệu Hương |

Mỹ và Ấn Độ vừa ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng sau cuộc gặp 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại giao của 2 nước.

Trong khi Trung Quốc đang “bấn loạn” vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, “đau đầu” vì vấn đề Triều Tiên và “nóng mặt” vì bị Anh – Mỹ thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông , Washington đã “âm thầm” bắt tay với New Delhi để tạo thành một “gọng kìm” đối trọng với Bắc Kinh.

Mỹ - Ấn “âm thầm” bắt tay tạo “gọng kìm” đối trọng với Trung Quốc - Ảnh 1.

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman ta tuyên bố chung sau cuộc gặp 2+2 ở New Delhi ngày 6/9. (Ảnh: EPA)

“Nhiệm vụ” của Mỹ là giúp Ấn Độ thắng Trung Quốc?

Có thể nói, chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã hình thành mối quan hệ Mỹ - Ấn kể từ khi tuyên ngôn độc lập năm 1949.

55 năm trước, một Thượng nghị sỹ bang Massachusetts, Mỹ, đã chỉ ra rằng, “có sự tranh đấu giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giành ngôi vị lãnh đạo kinh tế và chính trị của phương Đông, giành lấy sự tôn trọng của toàn châu Á và để giành lấy cơ hội thể hiện cách sống của ai tốt hơn”. Ông cho rằng, điều quan trọng là Mỹ cần phải giúp Ấn Độ thắng trong cuộc cạnh tranh đó với Trung Quốc.

Vài tháng sau, Thượng nghị sỹ đó trở thành Tổng thống thứ 38 của Mỹ, Gerald Ford. Không chỉ ông mà người bị ông đánh bại, Richard Nixon, trước đó cũng nêu bật tầm quan trọng của việc Mỹ giúp Ấn Độ thành công trong cuộc cạnh tranh giữa “2 dân tộc vĩ đại ở châu Á”.

Mục tiêu đó càng trở nên rõ ràng hơn dưới thời các Tổng thống Mỹ Eisenhower và Kennedy, để rồi nó hình thành nên một “qui luật bất thành văn” rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc củng cố sức mạnh cho Ấn Độ kể cả nếu New Delhi không phải lúc nào cũng “đồng lòng” với Washington.

Ngày 6/9, một lần nữa “qui luật bất thành văn” đó lại được chứng minh khi Mỹ và Ấn Độ ký thỏa thuận trao đổi thông tin quan trọng giữa quân đội 2 nước nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến New Delhi. Điều này đã nêu bật mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa 2 quốc gia trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ đều tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc .

Hơn 1 thập kỷ chờ đợi

Thỏa thuận trao đổi thông tin giữa Mỹ và Ấn Độ đã được 2 bên thảo luận hơn 1 thập kỷ qua. Nhưng trước đây, Ấn Độ còn lưỡng lự về việc ký thỏa thuận với Mỹ, một phần vì lo rằng Mỹ có thể tiếp cận các thông tin quân sự của Ấn Độ.

Phải đợi tới lúc này, khi quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ bước vào “một kỷ nguyên mới” – theo như cách nói của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – thì thỏa thuận trên mới chính thức trở thành hiện thực.

Mỹ - Ấn tham vọng khiến hợp tác quốc phòng “bùng nổ” thực chất hơn VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Mỹ và Ấn Độ dự kiến có cuộc gặp 2+2 ngày 6/9 để thảo luận về hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến New Delhi lần này để dự cuộc gặp 2+2 với những người đồng cấp Ấn Độ, một cơ chế nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác và giảm những căng thẳng giữa 2 bên. Ông Pompeo nhấn mạnh rằng, cuộc gặp này là “biểu tượng của mối quan hệ ngày càng gần gũi” giữa Mỹ và Ấn Độ.

Ở cấp độ chiến lược tổng thể, cả Mỹ và Ấn Độ đều sẵn lòng phát triển mối quan hệ khăng khít hơn. Mỗi nước đều coi bên kia không chỉ là đối tác vô cùng hữu ích trong việc kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc ở châu Á, mà còn là đồng minh trong các nỗ lực chống khủng bố.

Số lượng thiết bị quân sự mà Mỹ bán cho Ấn Độ đã tăng đáng kể trong vòng 1 thập kỷ qua và Washington giờ là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ.

Thỏa thuận về tính tương thích và bảo mật truyền thông (COMCASA) mà ông Mattis và người đồng cấp Ấn Độ ký ngày 6/9 là một dạng hiệp định nền tảng mà Mỹ thường dùng để tạo khuôn khổ hợp tác quân sự với các nước khác. Washington có thỏa thuận tương tự với gần 30 nước trên thế giới.

Thỏa thuận này phá bỏ những rào cản quá khứ để cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ được mã hóa của Mỹ.Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ nhận được các thiết bị thông tin liên lạc quốc phòng từ Mỹ và 2 bên sẽ trao đổi thông tin được cung cấp theo thời gian thực trên các nền tảng mà quân đội 2 nước đang sử dụng. COMCASA ngay lập tức có hiệu lực sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận “hệ thống phòng thủ tân tiến và tận dụng tối đa nền tảng của Mỹ”.

Thỏa thuận cũng kêu gọi Pakistan, đối thủ láng giềng của Ấn Độ ngừng dung túng cho các tổ chức khủng bố, một động thái khiến New Delhi cảm thấy “nức lòng”.

“Nếu Ấn Độ tỏ ra sẵn sàng thúc đẩy những thỏa thuận ‘ngoắt ngoéo’ về chính trị nhưng có ý nghĩa về mặt chiến lược thì đó là một tín hiệu tốt” – ông Joshua White, cựu Cố vấn cấp cao về các vấn đề Nam Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Dĩ nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman tỏ ra vô cùng nhiệt thành về triển vọng hợp tác hơn nữa. Bà cho rằng hợp tác quốc phòng “đã nổi lên như là xu thế nổi bật nhất trong các mối quan hệ đối tác chiến lược và là động lực chủ chốt cho các quan hệ song phương nói chung”, và rằng điều đó tiếp “nguồn năng lượng cực kỳ tích cực” cho quan hệ Mỹ - Ấn.

Nhưng thực tế ngoài hợp tác quốc phòng, có lẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ chẳng tiến triển là bao.

Cuộc chiến không tiếng súng

Mối quan hệ ràng buộc mà chẳng mấy ngọt ngào giữa Mỹ và Ấn Độ được thể hiện ngay qua việc cuộc gặp 2+2 lần này đáng lẽ được tổ chức ở Washington nhưng đã bị chính quyền của ông Trump trì hoãn tới 2 lần.

Ấn Độ là một trong nhiều mục tiêu trong “cuộc viễn chinh” của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trên thế giới, và 2 nước đã có các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau.

Chính quyền của ông Trump vừa muốn ép Ấn Độ nhập khẩu nhiều hàng hóa Mỹ hơn, lại vừa muốn New Delhi giảm sâu lượng dầu mua từ Iran, nếu không Washington sẽ có các biện pháp trừng phạt không khoan nhượng.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Pompeo lại thể hiện một giọng điệu mềm mỏng hơn nhiều trong các lĩnh vực còn tồn tại bất đồng giữa 2 nước.

Nhiều nước, trong đó có Ấn Độ “đang ở vị thế mà họ sẽ phải mất một chút thời gian để đảo ngược” nhập khẩu dầu từ Iran, ông Pompeo nói. “Chúng tôi sẽ hợp tác với họ, tôi đảm bảo, nhằm tìm ra một kết quả có ý nghĩa”.

Ông Pompeo cũng khẳng định, Mỹ sẽ hợp tác với Ấn Độ trong một lĩnh vực cần quan tâm khác, đó là việc Ấn Độ chuẩn bị mua hệ thống tên lửa và phòng không của Nga S-400 . Điều này vốn sẽ đặt Ấn Độ vào tầm ngắm trừng phạt của Quốc hội Mỹ đối với bất cứ nước nào mua vũ khí của Nga nhưng các nghị sỹ Mỹ để ngỏ khả năng Tổng thống có thể tạo ra ngoại lệ.

Hiện Mỹ vẫn chưa có quyết định vào về việc có miễn trừng phạt Ấn Độ hay không nhưng ông Pompeo khẳng định, Mỹ thấu hiểu “lịch sử mối quan hệ của Ấn Độ với Nga” và nỗ lực của Mỹ ở đây “không phải là để trừng phạt các đối tác chiến lược như Ấn Độ”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại