MXH nhốn nháo sau kỳ thi vào lớp 10: Chỗ này 'khoe' thành tích, chỗ kia tìm trẻ bỏ nhà ra đi...

N. Huyền |

'Các mẹ có thể bớt vui mừng với thành tích học tập của con mình trên mạng được không, vì chính điều này đã phần nào tạo nên áp lực cho các cháu và gia đình các cháu có kết quả thi không tốt”, chị Thanh Hằng đặt vấn đề.

Mạng xã hội từ chiều qua lan truyền dòng tin nhắn tìm con của một bà mẹ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vì con thi vào lớp 10 có kết quả không tốt nên bỏ nhà đi mất.

Người mẹ này cho biết trên mạng xã hội: "Con sốc nên đã bỏ ăn rồi viết thư để lại chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà từ 17h00 ngày 9/7/2022. Khi đi con không mang theo tiền, giấy tờ tuỳ thân, điện thoại liên lạc, và đã xoá toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo nên gia đình không có cách nào liên hệ với con”.

Người mẹ này đã phải nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ: "Nếu ai thấy con ở đâu, xin giữ con lại giúp và liên hệ bố mẹ con”.

Xót xa hơn, cuối dòng tin, người mẹ này cũng đã nhắn nhủ đến con gái: “Nếu con đọc được dòng tin này, xin con quay về với bố mẹ. Bố mẹ chỉ cần có con quay về, bố mẹ sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn”.

Ngay lập tức bài viết của người mẹ nhận được nhiều cảm thông, nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đa phần xót xa, cảm thương cho tình cảnh của bé cũng như nhiều đứa trẻ khác gặp cú sốc đầu đời.

MXH nhốn nháo sau kỳ thi vào lớp 10: Chỗ này khoe thành tích, chỗ kia tìm trẻ bỏ nhà ra đi... - Ảnh 1.

Bài viết tìm con trên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng xót xa.

Dường như năm nào, sau mỗi kỳ thi đều có những thông tin như thế. Những đứa trẻ 14-15 tuổi cắm đầu học ngày học đêm, học không có ngày nghỉ chỉ để tranh nhau một suất vào lớp 10 công lập - cánh cửa mà mỗi năm lại hẹp đi vì kế hoạch “phân luồng” của ngành giáo dục. Kết quả là, có cháu đạt được ước mơ nhưng cũng có cháu sốc vì cổng trường công lập đóng sập lại.

Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022- 2023, có gần 130.000 sĩ tử của thành phố sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tuy nhiên chỉ có khoảng 70.000 suất vào các trường THPT công lập. Điều ấy có nghĩa là có khoảng 60.000 cháu sẽ phải học trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Chị Hạnh Nguyễn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Một người bạn mình nói các con bị áp lực nhiều khi không phải từ gia đình, mà từ chính nhà trường, các nhóm Zalo Facebook, nơi mà cô chủ nhiệm hằng ngày hằng giờ nêu tên bạn này chưa làm đủ đề, bạn kia chỉ được 6-7 điểm thi thử, nơi mà 2 hôm nay ngập tràn những bài đăng điểm thi và những lời chúc tụng… Những cái đó đè nặng lên những đứa trẻ hơn ngàn lời chửi mắng.

Không những áp lực trong lúc học, mà ngay khi có kết quả thi, các con- những đứa trẻ thi trượt, lại chịu thêm áp lực bởi “làn sóng” khoe thành tích – điểm số của con từ các bậc phụ huynh ở trên mạng xã hội. Ngay sau đó, nhiều người kêu gọi “ngừng chia sẻ điểm thi, ngừng bình luận kết quả” được đưa ra nhằm bảo vệ con trẻ".

Nhìn nhận về vấn đề này, chị Thanh Hằng (Hà Nội) cũng cho rằng: "Những ngày vừa qua, trên Facebook, có quá nhiều người hân hoan chia sẻ thông tin con đỗ trường này trường kia, điểm cao ngút ngàn khiến mình tưởng chỉ toàn là học sinh đỗ mà thôi”.

Chị Thanh Hằng phân tích: “Thực ra, số đỗ vào được các trường công chỉ chiếm hơn một nửa, còn gần 1 nửa nữa (chừng 60 ngàn cháu) đang buồn vì kết quả thi. Tối nay, nghe tin đã có một cháu nhảy lầu và qua đời, sau khi có kết quả thi. Một cháu khác gia đình đăng tin tìm kiếm vì cháu bỏ nhà ra đi, ngắt mọi liên lạc cũng vì thi không tốt.

Vì thế, các mẹ có thể bớt vui mừng với thành tích học tập của con mình trên mạng được không, vì chính điều này đã phần nào tạo nên áp lực cho các cháu và gia đình các cháu có kết quả thi không tốt”.

Trước vụ việc tìm con sau kỳ thi, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: “Áp lực phải có kết quả tốt, thậm chí thật tốt đối với các con trong không chỉ các kì thi mà còn cả các bài kiểm tra lớn quá, lớn đến khủng khiếp. Không phải ai cũng chạy theo sự hoàn hảo hoặc nỗ lực tối đa để đạt đến điều đó, nhưng việc phải cố gắng đạt kết quả tốt nhất đôi khi là một liều thuốc độc, và thất bại trở thành điều kinh khủng khiến ngay cả những đứa trẻ mười mấy tuổi cũng không tài nào chịu nổi.

Có một cuộc tranh cãi đã âm ỷ từ lâu về việc mọi người đừng khoe điểm số của con cái mình sau những kỳ thi, vì như thế có thể tạo áp lực lên những ông bố bà mẹ có con thi hoặc kiểm tra không tốt bằng. Thực ra, việc đó cũng không có gì sai và không thể nói rằng vì con anh chị học giỏi mà các anh chị tạo áp lực lên tôi và con cái chúng tôi.

Chẳng có bố mẹ nào không tự hào vì con. Nhưng nhận thức là cả một quá trình, chẳng ai cứ khoe điểm tốt của con mãi, bởi rồi cũng có lúc con bị điểm kém hoặc con thất bại trong một việc gì đó.

Các bố mẹ có con học lực kém hơn cũng chẳng nên buồn hay phiền lòng để rồi bị cuốn theo một cuộc đua không có điểm dừng và phí công vô ích”.

Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, ai cũng kì vọng con cái sau này thế này thế kia, nhưng nếu chúng không được như chúng ta muốn hoặc như chúng muốn thì cũng đâu phải là tận thế. Điều quan trọng thực ra không phải là ca ngợi lẫn nhau khi thắng lợi và chỉ trích nhau khi không đạt được kết quả như ý, mà là chấp nhận thất bại, nếu nó xảy ra. 

Đấy không phải là tư tưởng chủ bại hay không cố gắng tối đa để đạt mục đích, mà là hiểu rằng không ai là bất bại, và có rất nhiều con đường, nhiều lựa chọn để thực hiện sau mỗi lần vấp ngã. Thất bại là điều luôn xảy ra trong cuộc đời, và không phải thất bại nào cũng là bi kịch, không phải thất bại nào cũng là sự phủ nhận những nỗ lực của cá nhân mình hoặc giá trị của mình.

“Mong cô bé sớm trở về hoặc sớm được tìm thấy để đưa về gia đình, và rất mong con hiểu rằng, một bài thi kết quả không như ý không có nghĩa là con kém cỏi, hoặc con là người vô giá trị. Đấy chỉ là một kết quả thi thôi, và một bài thi không phải là tất cả, gia đình con và cuộc sống phía trước con thế nào mới là điều thực sự quan trọng”, nhà báo Trương Anh Ngọc nhấn mạnh.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là bố mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua cú sốc đầu đời, đặc biệt là ứng xử thế nào với những chia sẻ “khoe thành tích” của bạn bè, người thân của con trên mạng xã hội?

MXH nhốn nháo sau kỳ thi vào lớp 10: Chỗ này khoe thành tích, chỗ kia tìm trẻ bỏ nhà ra đi... - Ảnh 2.

PGS. TS Trần Thành Nam


Trả lời vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, với bố mẹ trong khoảng thời gian này không nên để cho con tiếp cận với quá nhiều thông tin khác ở trên mạng như người này người kia khoe thành tích, khoe kết quả thi.

“Chúng ta cần phải giúp con, không để con tiếp cận với nhiều thông tin khoe thành tích trên mạng nhưng đồng thời phải chuẩn bị cho con một tâm thế khi nhìn thấy thành tích của người khác thì lấy đó làm động lực hoặc đặt mục tiêu để cố gắng phấn đấu hơn.

Định hướng giúp con khi nhìn những thành công của người khác thì mình rút ra bài học, cố gắng vươn lên chứ không phải ghen tị hay so sánh. Bởi vì bố mẹ không bao giờ so sánh con với người khác”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại